Kỷ niệm 134 năm ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024)
Hàng năm, vào ngày 19 tháng 5 cùng với cả nước, lòng chúng ta lại bâng khuâng tưởng nhớ đến Bác Hồ kính yêu. Ngày 19/5/1946, lần đầu tiên nhân dân ta kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta. Từ đó trở đi, cứ đến dịp 19/5, toàn dân ta cùng sống những giờ phút đặc biệt, niềm vui dâng trào, kính yêu Bác vô hạn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, lớn lên đi học lấy tên là Nguyễn Tất Thành, hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Sự thống trị tàn bạo của thực dân Pháp đã làm cho mâu thuẫn dân tộc diễn ra hết sức gay gắt, hàng loạt phong trào yêu nước theo các khuynh hướng khác nhau liên tiếp nổ ra nhằm giải quyết mâu thuẫn chủ yếu đó. Các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tuy diễn ra quyết liệt, song cuối cùng đều bị thất bại, vì thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, thiếu một tổ chức lãnh đạo có khả năng tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc.
Với tinh thần yêu nước nồng nàn, thương dân sâu sắc, sự nhạy bén về chính trị, Người đã bắt đầu suy nghĩ về những nguyên nhân thành bại của các phong trào yêu nước lúc bấy giờ và quyết tâm ra đi tìm con đường để cứu dân, cứu nước.
Trong bối cảnh đó, ngày 5 tháng 6 năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm con đường cứu nước giải phóng dân tộc với khát vọng cháy bỏng tìm đường cứu nước để đem lại: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”. Sau gần 10 năm tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến nhiều châu lục, tiến hành khảo sát chủ nghĩa thực dân, đế quốc ở các nước tư bản và nhiều nước thuộc địa. Sớm nhận thức được xu hướng phát triển của thời đại, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Năm 1920 Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin và tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân các nước thuộc địa. Người nói: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin đã soi rọi cho Nguyễn Ái Quốc: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc thì trước hết phải có “Đảng cách mệnh” để “trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Từ nhận thức đó Nguyễn Ái Quốc ra sức chuẩn bị mọi mặt cho việc thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam, Người từng bước truyền bá có hệ thống chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước, đưa phong trào công nhân chuyển dần từ trình độ tự phát lên tự giác; đưa phong trào yêu nước chuyển dần sang lập trường cộng sản.
Để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng của những người cộng sản Việt Nam, năm 1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) và tổ chức Cộng sản Đoàn làm nòng cốt, đào tạo cán bộ cộng sản để lãnh đạo Hội và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Năm 1929, nhiều tổ chức cộng sản đã ra đời ở Việt Nam: Đông Dương Cộng sản Đảng; An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Năm 1930 được sự phân công của Quốc tế Cộng sản lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam.
Mùa Xuân năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập, cùng với sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đồng lòng, chung sức làm nên những chiến thắng vang dội trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc, kết thúc bằng cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã giành thắng lợi hoàn toàn đưa Tổ quốc ta về một mối; mở ra một kỷ nguyên mới: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, từ đây toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cùng nhau đoàn kết trong cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ngày 02 tháng 9 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, để lại muôn vàn tiếc nuối cho toàn Đảng, dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng vĩ đại, Bác đã có những cống hiến xuất sắc cho dân tộc và cho nhân loại tiến bộ.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta. Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện qua những nội dung như: Một là, trung với nước, hiếu với dân: đây là điều chủ chốt của đạo đức cách mạng. Hai là, yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình. Ba là, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Bốn là, có tinh thần quốc tế trong sáng.
Phong cách Hồ Chí Minh, gắn liền với nhân cách trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng của Hồ Chí Minh, với tư cách là một vĩ nhân, một nhà văn hóa kiệt xuất. Đó là một phong cách vừa dân tộc vừa hiện đại, vừa khoa học vừa cách mạng, vừa cao cả vừa thiết thực. Những nội dung chủ yếu của phong cách Hồ Chí Minh bao gồm: Phong cách tư duy, Phong cách làm việc, Phong cách lãnh đạo, Phong cách diễn đạt, Phong cách ứng xử, Phong cách sinh hoạt.
Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập với thế giới, tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
65 năm trước, để đáp ứng nhu cầu chi viện nhân tài, vật lực từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, Bộ Chính trị đã quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự trên bộ và trên biển. Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 19/5/1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” chính thức được Thường trực Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ mở đường, vận chuyển hàng quân sự, tổ chức đưa đón bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại. Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559; sau này được đổi tên thành Bộ Tư lệnh 559, rồi Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Con đường đã được khai sinh đúng ngày sinh của Bác, nên được mang tên đường Hồ Chí Minh.
Đến cuối năm 1959, Đoàn 559 đã chuyển được vào Khu 5 số hàng gồm 1.667 khẩu súng bộ binh, hàng trăm nghìn viên đạn và một số quân dụng thiết yếu khác, đưa 542 cán bộ, chiến sĩ vào làm nhiệm vụ ở miền Nam. Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử như một con đường huyền thoại. Nó là con đường thống nhất, nơi thử thách ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm, sự sáng tạo và sức chịu đựng của Bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và các lực lượng đã từng sống, chiến đấu trên tuyến đường này. Thắng lợi trong việc xây dựng tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là một trong những thành công lớn trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng, Quân đội và nhân dân ta. Ngày 19/5/1959 đã trở thành mốc quan trọng, đánh dấu mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, đồng thời là Ngày truyền thống của bộ đội Trường Sơn anh hùng.
Ngày 03/12/2004, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh là công trình trọng điểm quốc gia với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.167km (trong đó tuyến chính dài 2.667km, tuyến nhánh phía Tây dài 500km); điểm đầu là Pác Bó (tỉnh Cao Bằng), điểm cuối là Đất Mũi (tỉnh Cà Mau). Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ngày 15/2/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể đường Hồ Chí Minh.
Rất nhiều tuyến trên đường Hồ Chí Minh sau khi nghiệm thu cơ sở đã phát huy hiệu quả, tạo ra diện mạo mới cho nhiều vùng quê từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn và từ Bắc chí Nam. Đối với các tỉnh Tây Nguyên, đường Hồ Chí Minh có ý nghĩa cực kỳ quan trọng cả về kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh. Đường Hồ Chí Minh trở thành trục giao thông chính, nối thông phía Bắc Tây Nguyên với các tỉnh miền Trung và liên thông sang nước bạn Lào và Campuchia.
Ngày nay Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ là trục đường hết sức quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước về mọi mặt: Kinh tế-văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và là tài sản tinh thần vô giá mà các thế hệ người Việt Nam cần nâng niu, trân trọng.
BBT