Truy cập nội dung luôn

Bình Sơn nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả

27/03/2023 08:32    531

Thời gian qua, huyện Bình Sơn đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng nhiều mô hình khuyến nông giúp người dân đem lại hiệu quả kinh tế, nhất là các mô hình nuôi trồng thủy sản góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hướng đến sản xuất bền vững.

Mô hình Vùng nuôi kết hợp thủy sản nước lợ được triển khai tại thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương. Đây là mô hình được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bình Sơn nhân rộng trong 2 năm liên tiếp. Khu vực Đông Min thuộc thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương, vùng nuôi ở đây không có nguồn điện để chạy máy tạo ôxy và chạy máy bơm nước, nhiều ao nuôi không đảm bảo độ sâu mức nước khi thủy triều xuống thấp. Ngoài ra, điều kiện thời tiết, môi trường nuôi ngày càng diễn biến bất lợi nên việc nuôi tôm độc canh của bà con thường xảy ra dịch bệnh, một số hộ dân phải bỏ ao trống nhiều năm qua. Trước thực tế trên, từ tháng 3/2022 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bình Sơn triển khai mô hình vùng nuôi kết hợp thủy sản nước lợ với quy mô 17ha, 43 hộ tham gia. Ngân sách huyện hỗ trợ  giống và kinh phí triển khai, tổng kinh phí 400 triệu đồng. Số lượng giống thả gồm: 170.000 con cua, 5.100.000 con tôm thẻ chân trắng, 1.824 con cá đối, 22.000 con cá chim trắng vây vàng.

Ông Nguyễn Trung Thành, xã Bình Dương thu hoạch mô hình nuôi kết hợp cua-cá-tôm.

Ông Nguyễn Trung Thành, xã Bình Dương thu hoạch mô hình nuôi kết hợp cua-cá-tôm.

Mục tiêu của mô hình là chuyển đổi hình thức nuôi tôm độc canh ao đất sang hình thức nuôi kết hợp tôm - cua - cá theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Theo cán bộ kỹ thuật của Trung tâm, các đối tượng nuôi ghép ít có tính đối kháng, sống ở các tầng nước khác nhau và có tính ăn mang tính bổ trợ lẫn nhau nhằm phát huy hiệu quả sử dụng thức ăn trong ao một cách tốt nhất cũng như hiệu quả trong việc cân bằng môi trường sinh thái ao nuôi. Kết quả của mô hình, sau khi trừ chi phí đầu tư, trung bình thu lãi trên 115 triệu đồng/ha. Cá nuôi ghép trong mô hình là đối tượng phụ, hiệu quả kinh tế từ nuôi cá không nhiều nhưng có lợi ích gián tiếp từ việc thu hoạch tôm, cua.

Ông Nguyễn Trung Thành, hộ tham gia mô hình ở xã Bình Dương cho biết, gia đình ông thả cua và cá đối mục trước khi thả tôm giống 01 tháng vì cua và cá đối có thời gian sinh trưởng dài ngày hơn tôm thẻ chân trắng. Gia đình ông thả nuôi 2.000 cua biển, 600 con cá đối và 8 vạn con tôm. Điều quan trọng hơn là sau một tháng thả nuôi, cua và cá đối hoạt động tốt trong ao, làm cho đáy ao thông thoáng, các loại tảo có lợi trong ao phát triển tốt, nhờ vậy các chỉ tiêu môi trường nước ao ổn định, sinh vật phù du phát triển thuận lợi cho việc thả tôm. Nhờ thực hiện đúng quy trình kĩ thuật, chăm sóc nên qua 3 tháng ông Thành thu được 300 kg cua, 500 kg tôm, 150 kg cá đối thu về trên 120 triệu, trừ chi phí lãi 30 triệu đồng. Từ hiệu quả của mô hình, trong năm 2023, huyện Bình Sơn sẽ tiếp tục thực hiện mô hình này ở xã Bình Dương và nhân rộng ra một số vùng nuôi ở xã Bình Chánh.

Mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai trong năm 2023 với quy mô 14.000 m2; trong đó, ở xã Bình Dương 10.000m2 và ở xã Bình An 4.000 m2.  Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, sau gần 06 tháng nuôi, tôm càng xanh thực hiện tại các mô hình đạt trọng lượng từ  25 đến hơn 30 con/kg, tỷ lệ sống đạt gần 60%. Tôm càng xanh là giống tôm có kích thước lớn, thịt thơm ngon rất được thị trường ưa chuộng và là mặt hàng có giá trị kinh tế cao. Để nuôi tôm càng xanh cho năng suất, sản lượng cao thì người nuôi cần phải nắm rõ các đặc điểm tập tính sinh sống của giống tôm này, phải chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, không bị nhiễm bệnh, kích cỡ đồng đều, bơi lội linh hoạt, màu sắc tươi sáng, không nên thả nuôi với mật độ quá dày, sử dụng loại thức ăn và quản lý việc cho ăn phải phù hợp, không quá nhiều, cũng không quá ít. Hiệu quả kinh tế ước tính cho 01 ha sau 06 tháng nuôi càng xanh là 170 triệu đồng.

Tôm càng xanh thương phẩm tại mô hình nuôi.

Tôm càng xanh thương phẩm tại mô hình nuôi.

Ông Ung Đình Hiền, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: Thành công của mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ao đất được triển khai tại xã Bình Dương và Bình An đã góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt của địa phương, mở ra triển vọng và nhân rộng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, từ đó nâng cao thu nhập cho người nông dân. Trong năm 2023,  huyện tiếp tục hỗ trợ kinh phí để nhân rộng mô hình này tại các xã có vùng nuôi phù hợp như Bình Chánh, Bình Dương, Bình Phước, Bình Trung; đồng thời chỉ đạo cho các xã tuyên truyền, khuyến cáo người dân phát triển kinh tế mô hình nuôi tôm càng xanh tại địa phương của mình.

Để các mô hình thành công và nhân ra diện rộng, huyện Bình Sơn cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ khuyến nông viên cơ sở và nông dân về kỹ thuật chăm sóc phòng trừ dịch bệnh cho các loài thủy sản để nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển các mô hình thủy sản

Theo Bản tin KH&CN số 01-2023

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 489

Tổng số lượt xem: 4230908