Truy cập nội dung luôn

Nghiệm thu kết quả đề tài: “Xây dựng mô hình trồng, bảo tồn và phát triển cây dược liệu Bảy lá một hoa (Thất diệp nhất chi hoa) (Paris polyphilla) tại 3 huyện (Ba Tơ, Sơn Tây và Trà Bồng) tỉnh Quảng Ngãi”

28/03/2023 17:28    233

GS.TS Nguyễn Thị Hoài – Trường Đại học Y dược Huế, Chủ trì buổi nghiệm thu.

Sáng ngày 28/3/2023, Sở KH&CN đã tổ chức nghiệm thu kết quả đề tài: “Xây dựng mô hình trồng, bảo tồn và phát triển cây dược liệu Bảy lá một hoa (Thất diệp nhất chi hoa) (Paris polyphilla) tại 3 huyện (Ba Tơ, Sơn Tây và Trà Bồng) tỉnh Quảng Ngãi” do Công ty CP VietRAP Đầu tư thương mại chủ trì thực hiện, ThS. Phạm Thị Hồng Nhung là chủ nhiệm đề tài.

Mục tiêu của đề tài nhằm xác định được phân bố, trữ lượng và mức độ đa dạng về loài/phân loài Bảy lá một hoa phân bố tự nhiên tại Quảng Ngãi để bảo tồn, phát triển; Xây dựng vườn sưu tập bảo tồn nguồn gen loài Bảy lá một hoa (diện tích 300 m2), vườn giống loài Bảy lá một hoa có giá trị tại Quảng Ngãi (diện tích 200 m2); Xây dựng mô hình liên kết trồng, chăm sóc và tiêu thụ dược liệu Bảy lá một hoa tại 3 huyện miền núi (Ba Tơ, Trà Bồng và Sơn Tây) của tỉnh Quảng Ngãi, mô hình trồng trong 02 điều kiện canh tác (vườn hộ và dưới tán rừng), quy mô 1600 m2 (800 m2 vườn hộ và 800 m2 dưới tán rừng), canh tác theo 2 phương thức (thâm canh và hữu cơ); Sử dụng cây giống 3-4 năm tuổi, được nhân từ củ Bảy lá một hoa có xuất xứ từ miền Bắc; Sản lượng củ Bảy lá một hoa tươi dự kiến đạt trung bình 5 tấn/ha; chất lượng dược liệu đạt tiêu chuẩn theo Dược điển V; Hiệu quả kinh tế dự kiến dao động từ 400 triệu VNĐ/ha (trồng thâm canh dưới tán rừng) đến 750 triệu VNĐ/ha (trồng hữu cơ trong vườn hộ); Đào tạo 12 kỹ thuật viên cơ sở và 150 lượt nông dân nắm vững nguyên tắc bảo tồn, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch dược liệu Bảy lá một hoa cho địa phương…

ThS. Phạm Thị Hồng Nhung báo cáo kết quả thực hiện đề tài.

ThS. Phạm Thị Hồng Nhung báo cáo kết quả thực hiện đề tài.

Cây dược liệu Bảy lá một hoa (Thất diệp nhất chi hoa) được triển khai trồng ở hộ dân.

Cây dược liệu Bảy lá một hoa (Thất diệp nhất chi hoa) được triển khai trồng ở hộ dân.

Sau hơn 30 tháng thực hiện, cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài đã tổ chức điều tra đánh giá nông thôn có sự tham gia của người dân với 105 phiếu điều tra để thu thập thông tin có liên quan đến việc khai thác, sử dụng và gây trồng Bảy lá một hoa (như giá trị sử dụng, trữ lượng tiềm năng, các hoạt động khai thác, gây trồng, chế biến, bảo quản và buôn bán); Sưu tập các cá thể Bảy lá một hoa phân bố tự nhiên tại Quảng Ngãi về trồng bảo tồn tại Vườn sưu tập bảo tồn có diện tích 300 m2 được xây dựng tại huyện Sơn Tây và Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi; Xây dựng mô hình liên kết trồng, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ Bảy lá một hoa thương phẩm được thực hiện trong 2 điều kiện canh tác (trong vườn hộ và dưới tán rừng) với quy mô 1600 m2 tại 3 huyện (Ba Tơ, Sơn Tây và Trà Bồng), sử dụng 2 kỹ thuật canh tác (thâm canh và hữu cơ); Theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển, sâu bệnh hại Bảy lá một hoa, đánh giá chất lượng dược liệu Bảy lá một hoa; tổ chức đào tạo 12 cán bộ kỹ thuật viên và tập huấn cho 150 lượt nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản dược liệu Bảy lá một hoa…

Theo đánh giá của cơ quan Chủ trì và Chủ nhiệm nhiệm vụ, kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần nâng cao nhận thức của người dân về loài cây dược liệu này, đồng thời nhân rộng các mô hình nhân giống, mở rộng diện tích trồng, các biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững được áp dụng sẽ góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện sinh kế của người dân địa phương. Kết quả của đề tài làm tiền đề mở rộng diện tích chuyển dịch cây trồng sang trồng cây dược liệu, giúp các địa phương thực hiện nhanh các mục tiêu quy hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn; đồng thời tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã dịch vụ và tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản ở các địa phương…

Hội đồng phản biện, đánh giá kết quả đề tài đã thực hiện.

Hội đồng phản biện, đánh giá kết quả đề tài đã thực hiện.

Hội đồng đã tham gia phản biện, góp ý về những nội dung từ báo cáo tổng kết của đề tài, qua đó đề nghị Cơ quan Chủ trì và Chủ nhiệm đề tài cần bổ sung, điều chỉnh một số nội dung của các thành viên Hội đồng nghiệm thu đã đưa ra để hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu.

Với những kết quả đã thực hiện của nhiệm vụ Hội đồng nghiệm thu đã ghi nhận tuy nhiên vẫn còn một số nội dung chưa đạt được của đề tài so với yêu cầu đặt ra của Hợp đồng, vì vậy Hội đồng nghiệm thu với kết quả đánh giá Không đạt.

Quốc Dương

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 600

Tổng số lượt xem: 4210658