Truy cập nội dung luôn

Thẩm định Trạm xử lý nước thải Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức

08/05/2023 13:51    330

Ông Trần Công Hòa, Phó Giám đốc Sở KH&CN chủ trì buổi làm việc.

Chiều ngày 05/5, Sở KH&CN tổ chức họp Hội đồng tư vấn thẩm định Trạm xử lý nước thải Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Đây là dự án Đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp mở rộng và mua sắm trang thiết bị cho 4 trung tâm Y tế tuyến huyện, tỉnh Quảng Ngãi theo Nghị Quyết số 01/NQ-HĐND ngày 15 tháng 3 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII kỳ họp thứ 13.

Theo thuyết minh dự án, bệnh viện là nơi tập trung đông người có lượng nước tiêu thụ lớn, vì vậy trong hệ thống thoát nước của huyện Mộ Đức, nguồn nước thải bệnh viện được xem là nguồn tập trung. Nước thải bệnh viện xuất phát từ các khoa điều trị, phòng khám, nhà ăn, các khu vệ sinh, nhà tắm, nhà giặt, nước vệ sinh sàn nhà,...

Với mục tiêu của dự án đề ra là phải thu gom và xử lý triệt để toàn bộ lượng nước thải phát sinh tại Trung tâm y tế huyện Mộ Đức. Nước thải sau khi xử lý đủ điều kiện để đấu nối vào hệ thống thoát nước của khu vực, chảy về sông vệ.

Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức có quy mô 170 giường bệnh, Bệnh viện đạt Bệnh viện hạng III và có 169 biên chế được giao (Theo báo cáo của Trung Tâm Y tế huyện Mộ Đức).

Đại diện chủ đầu tư trình bày thuyết minh dự án.

Đại diện chủ đầu tư trình bày thuyết minh dự án.

Lượng nước thải cần phải xử lý là 92,89 m3/ngày.đêm. Trong trường hợp dịch bệnh thì số lượng bệnh nhân tăng lên bất thường. Do đó cần phải đầu tư nâng cấp trạm xử lý nước thải có công suất 100 m3/ngày.đêm.

Thuyết minh dự án đưa ra 03 phương án công nghệ để lựa chọn xử lý nước thải cho Trung tâm y tế huyện Mộ Đức, gồm:

Phương án 1: Công nghệ xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học theo dạng mẻ (SBR)

Ưu điểm: Công nghệ đơn giản, dễ vận hành; chi phí đầu tư ban đầu thấp; chi phí vận hành ít tốn kém.

Nhược điểm: Không xử lý triệt để các nhân tố ô nhiễm trong nước thải, đặc biệt là chất hữu cơ, kim loại nặng; nước thải ra không đảm bảo các tiêu chuẩn cho phép.

Phương án 2: Công nghệ xử lý nước thải bằng phương pháp cơ học kết hợp sinh học hiếu khí bằng hệ thống Aeroten.

Ưu điểm: Hiệu quả xử lý tương đối cao (trên 90%); nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép khi thải ra môi trường.

Nhược điểm: Khối lượng xây dựng công trình lớn, tốn nhiều diện tích; khi vận hành sinh nhiều bùn, gây mùi hôi thối; chi phí vận hành cao.

Phương án 3: Xử lý nước thải bằng phương pháp cơ học và xử lý sinh học thiếu - hiếu khí kết hợp (MBBR)

Ưu điểm: Hiệu quả xử lý cao, có thể đạt tới 95%, nước thải ra có hàm lượng cặn lơ lửng ít do được xử lý cả về mặt cơ, lý, hóa trong lớp vật liệu lọc; tốn ít năng lượng cho quá trình vận hành do nhu cầu cấp khí cần ít hơn, do đó chi phí vận hành thấp hơn; do tạo ra ít bùn nên không phải xây dựng bể lắng thứ cấp, bể nén bùn, thiết bị xử lý bùn, bơm tuần hoàn bùn nhờ vậy giảm được giá thành đầu tư; xử lý hiệu quả với lưu lượng nước thải nhỏ, tải trọng thấp; sinh ít mùi hôi thối do lớp vật liệu lọc có tác dụng hấp phụ mùi rất tốt; nước thải ra trong do các hợp chất có màu đã bị hấp phụ vào các lớp vật liệu lọc; xử lý triệt để được cả N và P, đây là ưu điểm vượt trội so với hệ thống Aeroten; tiết kiệm diện tích xây dựng; dễ vận hành và tự động hóa.

Nhược điểm: Trong quá trình vận hành dễ tắc do đó cần phải định kỳ rửa lọc; thiết bị dễ bị ăn mòn bởi các điều kiện tự nhiên do đó cần phải định kỳ bảo dưỡng và thay thế lớp vật liệu lọc (thông thường khoảng 1-2 năm thay thế 1 lần); khó đáp ứng được với lưu lượng nước thải lớn (trên 1.000 m3/ngày).

 

Sơ đồ công nghệ xử lý chất thải được đề xuất.

So sánh ưu nhược điểm của 3 phương án, đơn vị tư vấn chọn phương án 3 bởi các ưu điểm như hiệu quả xử lý cao, có thể tới 95%, nước thải ra có hàm lượng cặn lơ lửng ít do được xử lý cả về mặt cơ, lý, hóa trong lớp vật liệu lọc; tốn ít năng lượng cho quá trình vận hành do nhu cầu cấp khí cần ít hơn; do tạo ra ít bùn nên không phải xây dựng bể lắng thứ cấp, bể nén bùn, thiết bị xử lý bùn, bơm tuần hoàn bùn nhờ vậy giảm được giá thành đầu tư; xử lý hiệu quả với lưu lượng nước thải nhỏ, tải trọng thấp; xử lý triệt để được cả N và P, đây là ưu điểm vượt trội so với hệ thống Aeroten; vận hành đơn giản.

 

 

Thành viên hội đồng trao đổi ý kiến thẩm định công nghệ dự án.

Qua phân tích, đánh giá, thảo luận, trao đổi Hội đồng thống nhất đề xuất công nghệ xử lý nước thải bằng phương pháp cơ học và xử lý sinh học thiếu - hiếu khí kết hợp (MBBR) dự án Trạm xử lý nước thải Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức của đơn vị tư vấn. Hội đồng đề nghị, cần phân tích đánh giá công nghệ xử lý nước thải được chọn phải có cơ sở khoa học thực tiễn và bản vẽ phải thể hiện đầy đủ, chi tiết; bổ sung và tính toán lại các con số có tính logic, chuẩn xác; bổ sung quy trình vận hành, bảo dưỡng… Đồng thời, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của thành viên tham gia và chỉnh sửa, bổ sung cơ sở pháp lý các văn bản quy phạm phát luật rõ ràng, đảm bảo theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng và quy định của pháp luật.

Nguyễn Bình

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1115

Tổng số lượt xem: 4217414