Sản xuất bưởi da xanh thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP
09/09/2024 08:42 201
Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế đã xây dựng thành công mô hình sản xuất bưởi da xanh thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, vừa góp phần nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Mô hình sản xuất bưởi da xanh thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP được xây dựng tại HTX Nông nghiệp Hành Nhân, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi với quy mô 01 ha, thời gian thực hiện từ tháng 1/2024 có 06 hộ tham gia. Giống bưởi da xanh có nguồn gốc từ miền Nam và được trồng tại địa phương từ năm 2017. Cây bưởi da xanh 5 năm tuổi đã cho thu hoạch 1 lần.
Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế tổ chức Hội nghị đầu bờ mô hình sản xuất bưởi da xanh thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành.
Để thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP tại Quảng Ngãi, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế đã áp dụng quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP TCVN11892 - 1:2017. Công thức áp dụng cho mô hình sản xuất bưởi da xanh thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP tại Quảng Ngãi, gồm: 30 kg phân chuồng hoai mục + 2 kg vôi + 2,5 kg NPK 20-20-15 + 2 kg lân supe + 0,5 kg K2SO4/cây/năm + phân bón lá (Canxi Bo). Công thức áp dụng cho mô hình đối chứng được áp dụng công thức bón của nông dân (20 kg phân chuồng hoai + 3 kg KCl + 1 kg vôi + 2 kg NPK 20-20-15/cây/năm); phun thuốc trừ sâu, bệnh hại theo biện pháp của nông dân.
Ông Nguyễn Văn Nam, thôn Tân Lập, xã Hành Nhân cho biết: Sau 3 năm thực hiện, từ lúc ban đầu tham gia tập huấn về chăm sóc, bón phân, tỉa cành tạo tán đến khi thu hoạch theo tiêu chuẩn VietGAP bà con rất là mừng. Năm 2023, do tình hình thời tiết mưa quá nhiều nên năng suất còn hạn chế, đến năm 2024 nhờ bà con cố gắng chăm sóc nên hiệu quả rất cao. Hiện giờ bà con mong muốn nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế gia đình.
Qua kết quả theo dõi ở các mô hình thí nghiệm, tốc độ tăng trưởng từ khi kết thúc thu quả vụ trước đến 74 ngày sau, các cây trong mô hình nông dân có đường kính tán là 4,07 m, nhỏ hơn 0,2 m so với các cây trong mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP (4,27 m); sau 164 ngày, tốc độ tăng trưởng của các cây trong mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP tăng thêm 0,8 m, cao hơn so với các cây trong vườn đối chứng chỉ tăng 0,63 m.
Chỉ tiêu về cành lộc của cây bưởi da xanh có chiều dài cành và số lá trên các cành mang lộc ở hai mô hình không có sự khác biệt nhau (chiều dài cành lộc đạt khoảng 47 - 49 cm và số lá trên cành lộc khoảng từ 53 - 55 lá/cành). Tuy nhiên, cành lộc ở mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP chắc, khỏe hơn do có đường kính cành đạt 1,71 cm lớn hơn so với cành lộc ở vườn đối chứng với 1,6 cm. Nguyên nhân là do các cây bưởi ở các vườn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có chế độ bón phân, chăm sóc và cắt tỉa cành hợp lý nên đảm bảo sự sinh trưởng, phát triển tốt.
Vườn bưởi da xanh được xây dựng áp dụng quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành.
Về năng suất và hiệu quả kinh tế cho thấy, số lượng quả còn lại trên cây sau thời gian đậu quả 78 ngày ở mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 20,6 quả/cây, lớn hơn nhiều so với mô hình đối chứng (15 quả/cây). Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP giúp cây bưởi đạt số quả trên cây tốt hơn, đây là yếu tố quyết định đến năng suất của cây bưởi da xanh (17,51 tấn/ha ở mô hình theo tiêu chuẩn và 11,25 tấn/ha ở mô hình của nông dân).
Ông Trần Thái, thôn Tân Lập, xã Hành Nhân cho biết: Thực hiện các quy trình sản xuất của VietGAP, việc bón phân và sử dụng thuốc BVTV đúng theo nguồn gốc, quy định; không sử dụng thuốc BVTV bừa bãi; sử dụng phân bón phải có sổ ghi chép đầy đủ theo quy trình; sử dụng các loại côn trùng có ích như kiến vàng, bảo vệ thiên địch. Trong các năm sản xuất, tôi thấy việc áp dụng quy trình này rất có hiệu quả. Sắp tới, tôi sẽ tuyên truyền mô hình này đến bà con nông dân.
Sản phẩm bưởi da xanh của mô hình được gắn nhãn truy xuất nguồn gốc.
Công ty cổ phần chứng nhận và kiểm nghiệm FAO đã cấp Giấy Chứng nhận sản phẩm “Bưởi da xanh” được đánh giá theo tiêu chuẩn TCVN 11892 - 1: 2017 phù hợp với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) đối với lĩnh vực trồng trọt của Hợp tác xã nông nghiệp Hành Nhân.
Qua các số liệu đã thu được cho thấy việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP giúp cây bưởi da xanh sinh trưởng, phát triển và năng suất tốt hơn so với vườn đối chứng của nông dân. Tất cả các chỉ tiêu về dư lượng kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật trong quả bưởi ở mô hình VietGAP đạt tiêu chuẩn quy định.
Giấy Chứng nhận sản phẩm “Bưởi da xanh” được đánh giá theo tiêu chuẩn TCVN 11892 - 1: 2017 do Công ty cổ phần chứng nhận và kiểm nghiệm FAO đánh giá.
Ông Nguyễn Đức Hiền, Hợp tác xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành cho biết: Qua theo dõi, từ khi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, cây trồng được phát triển tập trung hơn, ít bị sâu bệnh, các tác nhân gây hại bên ngoài ít chịu ảnh hưởng hơn. Nhờ được theo dõi liên tục và thực hiện đúng quy trình nên tiết kiệm được chi phí đầu tư cho bà con. Khi sản phẩm tạo ra được công nhận VietGAP, chất lượng đầu ra được nâng cao hơn, người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm VietGAP và họ tin dùng, từ đó nâng cao thu nhập của người dân.
Đây là sản phẩm trái cây đầu tiên của huyện Nghĩa Hành đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình đã nâng cao giá trị nông sản trên thị trường, kiểm soát được tình trạng sản phẩm kém chất lượng, truy xuất được thông tin vùng trồng, nâng cao uy tín, chất lượng và hiệu quả cho sản phẩm thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Bản tin KH&CN số 04-2024
Tin liên quan
- Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc nhân giống và nuôi trồng nấm lim xanh trên gỗ dưới tán rừng
- Kết quả từ mô hình sản xuất hạt giống QNG 13, QNG 128
- Thiết kế, chế tạo bộ thực hành phục vụ đào tạo iot (internet of things) cho sinh viên ngành kỹ thuật cơ điện tử
- Sản xuất đậu phụng theo tiêu chuẩn VietGAP
- Ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất Bưởi da xanh và Chuối mốc theo hướng hàng hóa đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi
- Giải pháp phát triển cây sắn bền vững tại tỉnh Quảng Ngãi
- HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT SẢN XUẤT DƯA HẤU THEO TIÊU CHUẨN VIETGAP
- SẢN XUẤT ỚT THƯƠNG PHẨM THEO TIÊU CHUẨN VIETGAP
- QUẢNG NGÃI CÓ THÊM 36 SẢN PHẨM ĐƯỢC CẤP CHỨNG NHẬN SẢN PHẨM OCOP
- Bình Sơn nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả
- Doanh nghiệp Quảng Ngãi Đổi mới thiết bị, công nghệ: giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm
- Quảng Ngãi phát huy mô hình kinh tế tập thể
- Trồng đậu phụng, mè đen để “né” hạn mang lại hiệu quả cao
- Làm chủ công nghệ sản xuất thép cuộn cán nóng
- Sơn Tây ứng dụng tiến bộ kỹ thuật KHCN để trồng bưởi da xanh.
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập: 1017
Tổng số lượt xem: 5108754