Truy cập nội dung luôn

Chủ động phòng chống dịch tả lợn Châu Phi

04/12/2021 10:14    251

Hiện nay dịch tả lợn Châu Phi tại tỉnh Quảng Ngãi đang diễn biến phức tạp. Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, người chăn nuôi cần nắm rõ dấu hiệu nhận biết bệnh dịch tả lợn châu Phi và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnhđể kịp thời đối phó khi dịch bệnh xảy ra.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, từ cuối tháng 7 đến nay, trên địa bàn tỉnh dịch tả lợn châu Phi quay trở lại, tốc độ lây lan dịch bệnh ngày càng nhanh, tăng thêm 559 cơ sở chăn nuôi, 93 thôn, 26 xã thuộc 9 trong số 13 huyện, thị xã với tổng số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là 2.164 con/126.547 kg.
Như vậy, tính từ đầu năm 2021 đến nay, ở Quảng Ngãi dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 699 cơ sở chăn nuôi tại 153 thôn, 60 trong số 173 xã, phường, thị trấn của 9 trong số 13 huyện, thị xã với tổng số lợn mắc bệnh 2.867 con, trong đó chết và tiêu hủy là 2.867 con với tổng khối lượng là 163.933 kg. 
Nguyên nhân dịch tả heo châu Phi quay trở lại và lây lan nhanh hơn là do chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, chưa đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học; việc buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm heo gia tăng nhanh vào các tháng cuối năm, thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, mưa nhiều, rét hại…
Theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị được Dịch tả lợn châu Phi, vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan. Các biện pháp chủ yếu ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn châu Phi như kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn và chăn nuôi an toàn sinh học được nhiều nước áp dụng. Khi thấy heo sốt cao, chết hàng loạt, xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào thì phải báo ngay cơ quan thú y để được hỗ trợ chẩn đoán và xử lý kịp thời.
Để hạn chế thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi gây ra, bà con có thể phòng chống dịch tả lợn châu Phi bằng các biện pháp như sau (*):
1. Biện pháp phòng bệnh: Thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi gồm:
1.1  Cách ly, kiểm soát ra, vào cơ sở chăn nuôi

- Chăn nuôi cùng vào cùng ra
- Kiểm soát con giống: Con giống phải sạch bệnh, giống mới mua phải nuôi cách ly ít nhất 2 tuần ở chuồng, khu nuôi cách ly.
- Thực hiện cách ly khu vực chuồng nuôi với nơi ở của người và động vật khác bằng hàng rào, vách ngăn xung quanh, cửa ra vào có khóa, bố trí hố hoặc khay sát trùng trước cửa ra vào chuồng.
- Không nuôi các động vật khác như lợn rừng, gà, vịt, chó, mèo... trong khu vực nuôi lợn.
- Không cho khách tham quan chuồng trại.
- Sử dụng quần áo, ủng, bảo hộ lao động riêng cho khu vực chăn nuôi, vệ sinh sát trùng quần áo, dụng cụ bảo hộ sau khi sử dụng.
- Diệt chuột và côn trùng gây hại. Ngăn chặn chim, động vật hoang dã và thú nuôi khác vào khu vực chăn nuôi.
- Cung cấp nước sạch (nước máy hoặc nước giếng khoan qua lọc) dùng cho lợn
- Thức ăn hoặc nguyên liệu thức ăn đảm bảo chất lượng, không nhiễm các loại mầm bệnh.
- Kiểm soát nguồn thức ăn cho lợn ăn: Không cho lợn ăn thức ăn thừa của người khi chưa được nấu chin.

Sát trùng tiêu độc.

Sát trùng tiêu độc.

1.2. Vệ sinh làm sạch
- Vệ sinh hàng ngày trong và ngoài chuồng nuôi, quét dọn, thu gom rác và chất thải. Rửa sạch chuồng trại, dụng cụ, bảo hộ lao động bằng nước với xà phòng hoặc chất tẩy rửa.
- Định kỳ 1 lần/tuần tổng vệ sinh toàn bộ khu vực chăn nuôi
1.3. Sát trùng
- Sát trùng trong, ngoài chuồng nuôi, các thiết bị, dụng cụ, bảo hộ lao động trước khi đưa vào trại và sau khi sử dụng...
- Sát trùng người và phương tiện vận chuyển...
- Xử lý phân và chất thải bằng biogas, chôn, đốt.
- Tiêu hủy xác lợn chết và sản phẩm từ lợn theo đúng hướng dẫn của cơ quan thú y.
2. Biện pháp chống bệnh
2.1. Thực hiện an toàn sinh học và “5 không”
Không giấu dịch (thông báo với chính quyền và cơ quan chuyên môn khi phát hiện lợn nghi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi);
Không mua, bán lợn bệnh, lợn chết;
Không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết;
Không vứt lợn chết ra môi trường xung quanh;
Không sử dụng thức ăn thừa chưa qua nấu chín làm thức ăn cho lợn.
2.2. Giám sát và cảnh báo dịch bệnh
Người chăn nuôi thường xuyên theo dõi, giám sát đàn lợn; nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì báo cơ quan thú y, chính quyền địa phương.
2.3. Tiêu hủy lợn khi có bệnh dịch xảy ra
Khi có dịch bệnh xảy ra, phải chấp hành tiêu hủy theo hướng dẫn của cơ quan thú y địa phương.
Mức hỗ trợ căn cứ:
- Theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh
- Hoặc theo Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 07/3/2019 của chính phủ:
+ Đối với lợn con, lợn thịt các loại, hỗ trợ với các mức tối thiểu 80% giá thị trường tại thời điểm ở địa phương có dịch bệnh xảy ra.
+ Đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác, hỗ trợ với mức 1,5 – 2 lần so với mức hỗ trợ các loại lợn khác tại thời điểm có dịch bệnh 

Anh Khuê

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 777

Tổng số lượt xem: 4216255