Truy cập nội dung luôn

Hướng dẫn biện pháp phòng và can thiệp bệnh viêm da nổi cục trâu bò

15/10/2021 11:33    320

1. Nguyên nhân

Bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trâu, bò (tên tiếng Anh là Lumpy Skin Disease, viết tắt là LSD), còn được gọi là bệnh Viêm da nổi cục truyền nhiễm hoặc bệnh Da sần, là bệnh truyền nhiễm do vi rút có nhân ADN, có vỏ bọc thuộc chi Capripoxvirus (cùng chi vi rút đậu dê),  họ Poxviridae gây ra.

Vi rút VDNC tồn tại lâu ngoài môi trường. Vi rút tồn tại trong các nốt da hoại tử trên 33 ngày, đặc biệt là ở trong các lớp vảy khô lên đến 35 ngày và ít nhất 18 ngày trong da phơi khô. Bị tiêu diệt ở nhiệt độ 550C trong 2 giờ, 650C trong 30 phút. Vi rút nhạy cảm với môi trường pH kiềm hoặc axit; có thể tồn tại ở môi trường pH = 6,6 – 8,6 trong 5 ngày ở nhiệt độ 370C và ánh sáng mặt trời nhưng trong điều kiện môi trường tối, ẩm ướt, vi rút có thể tồn tại trong nhiều tháng. Vi rút VDNC dễ bị tiêu diệt bằng các loại hóa chất tẩy rửa lipid (vì vi rút có vỏ bọc chứa lipid) như Iodine (pha loãng 1:33), Virkon (2%), Benkocid (0,5%) và vôi sống.

Bò bị bệnh viêm da nổi cục.

Bò bị bệnh viêm da nổi cục.

2. Đặc điểm dịch tễ

- Bệnh VDNC lần đầu tiên được phát hiện tại nước Zambia thuộc Châu Phi  năm 1929, sau đó bệnh đã lây lan khắp các châu lục. Đến nay, bệnh VDNC là dịch bệnh địa phương tại hầu hết các nước Châu Phi. Từ năm 2012, bệnh đã lây lan nhanh sang khu vực Trung Đông, Đông Nam Châu Âu, Ban-căng, biên giới Á – Âu, Nga và Kazzakhstan. Bệnh VDNC đã xảy ra trên diện rộng tại Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực Tây Á và Trung Á, Ấn Độ, Bangladesh vào năm 2019. Tại Trung Quốc, ổ dịch đầu tiên được ghi nhận vào tháng 8/2019 tại khu vực Tân Cương, đến tháng 7/2020 xảy ra tại tỉnh Quảng Tây (chỉ cách tỉnh Cao Bằng khoảng 200 km). Đến tháng 10/2020, lần đầu tiên bệnh VDNC xâm nhập vào Việt Nam tại tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, sau đó lây lan ra các tỉnh cho đến nay. Ở Quảng Ngãi, bệnh VDNC lần đầu xảy ra tại Bình Sơn ngày 01/3/2021 đến ngày 30/7/2021, dịch bệnh VDNC ở trâu, bò đã và đang xảy ra tại 9.599 cơ sở chăn nuôi nông hộ của 612 thôn, 146/173 xã, phường, thị trấn của 13/13 huyện, thị xã, thành phố với tổng số 17.820 con bò mắc bệnh và chết 786 con.

- Động vật mẫn cảm: Trâu, bò mọi lứa tuổi, mọi giống đều mắc bệnh. Tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh rất khác nhau, trong đó bò mẫn cảm hơn trâu, bò lai mẫm cảm hơn bò nội, con non mẫm cảm hơn con già, con cái mẫm cảm hơn con đực, con nái chửa mẫm cảm hơn con nái khô. Có lẻ do yếu tố khác nhau như mùi, tổ chức da mềm hơn nên thu hút ruồi tập trung hút máu nhiều hơn.

- Mùa phát bệnh: Bệnh thường xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng có thời tiết ấm, khi côn trùng hút máu hoạt động mạnh và phong phú nhất.

- Đường bài xuất vi rút ra môi trường: Vi rút bài xuất qua các nốt sần và vảy da rơi ra môi trường (chứa nhiều vi rút ), theo dịch tiết như nước bọt, nước mắt, nước mũi và tinh dịch. Ở gia súc khỏi bệnh lâm sàng, vi rút có thể tồn tại đến 6 tháng, có thể bài thải hoặc thông qua các loại véc tơ làm lây lan dịch bệnh.

- Đường truyền lây: Theo FAO, vi rút xâm nhập vào cơ thể trâu bò bằng nhiều con đường như qua tiếp xúc trực tiếp như vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, thức ăn, nước uống, sữa, tinh dịch nhưng chủ yếu là qua côn trùng chân đốt hút máu như ruồi, muỗi, ve, mòng. Trong đó, loài ruồi hút máu có tên khoa học là Stomoxys calcitrans là thủ phạm chính, loài ruồi này có đặc điểm  sinh  học là sau khi hút máu con bệnh, ruồi có thể  bay theo gió đi trong khoảng 100km tiếp tục hút máu con khỏe và truyền vi rút gây bệnh nên làm dịch bệnh lây lan ra diện  rộng. Đây  là lý do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo biện pháp phòng, chống dịch là phải  tiêm phòng từ trung tâm ổ dịch ra bán kính 100km và ngoài việc khử trùng tiêu độc vi rút ngoài môi trường còn phải sử dụng hóa chất tiêu tiêu côn trùng hút máu. Điều đáng chú ý một số trâu bò nhiễm bệnh không biểu hiện triệu chứng nhưng mang vi rút và có thể truyền bệnh cho con khỏe thông qua côn trùng hút máu.

Các nốt sần sau khi vỡ để lại vết sẹo.

Các nốt sần sau khi vỡ để lại vết sẹo.

- Tỷ lệ mắc bệnh, chết: Thường tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh: 10-20%; Tỷ lệ chết: 1-5%. Tuy nhiên theo FAO tỷ lệ tử vong cao từ 40% trở lên đã gặp phải.

3. Triệu chứng, bệnh tích

- Thời gian ủ bệnh từ 4-14 ngày, trâu, bò bệnh thường xuất hiện các nốt sần có đường kính từ 2-5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục,… Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới.

- Trường hợp nặng, bị nhiễm trùng kế phát: Sốt cao trên 410C, bỏ ăn, gầy yếu; giảm khả năng tiết sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú; viêm mũi, miệng, kết mạc mắt và tiết nhiều dịch; sưng hạch bạch huyết bề mặt (hạch trước vai, hạch trước đùi). Khớp chân và các bộ phận vùng thấp như yếm, ức, có thể bị sưng phù, khiến con vật không muốn di chuyển. Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong nhiều tháng và để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn Các nốt sần bị hoại tử có thể xuất hiện ở đường tiêu hóa từ miệng đến ruột, đường hô hấp từ mũi đến khí quản và phổi, túi mật, bàng quang, dương vật. Trường hợp xuất huyết nặng ở tim, phổi, dạ dày, ruột, bàng quan trâu, bò bệnh thường bị chết.

4. Chẩn đoán bệnh

- Chẩn đoán tại thực địa dựa trên những biểu hiện như sốt và nổi cục đặc trưng trên da trâu, bò mắc bệnh.

- Lấy mẫu xét nghiệm: Các nốt sần và vảy da chứa lượng vi rút VDNC tương đối cao nên là bệnh phẩm ưu tiên, rồi đến dịch mũi, dịch probang hoặc máu được chống đông bằng chất EDTA nếu con bệnh không có nốt sần và vảy. Nếu trâu, bò bệnh chết chỉ cần lấy 5g hạch bạch huyết trước vai hoặc trước đùi. Trừ mẫu máu, mẫu vảy, dịch tiết bảo quản trong môi trường nước muối sinh lý để gửi đi xét nghiệm.

5. Phòng bệnh

- Chủ động theo dõi, giám sát để kịp thời phát hiện sớm các trường hợp trâu, bò mắc bệnh;

- Tiêu hủy trâu, bò mắc bệnh chết theo Hướng dẫn kỹ thuật tiêu hủy của ngành Thú y;

- Tiêm phòng cho trâu, bò, vệ sinh, tiêu độc khử trùng và phòng, chống côn trùng chân đốt hút máu (ruồi, muỗi, ve, mòng) truyền bệnh tại khu vực chuồng nuôi.

+ Tỷ lệ tiêm phòng: phải đạt trên 90% trâu bò thuộc diện tiêm (80% tổng đàn trâu bò). Chỉ tiêm cho trâu, bò khỏe mạnh mọi lứa tuổi và đang mang thai; không tiêm cho trâu, bò đã và đang mắc bệnh VDNC. Vì chúng được miễn dịch suốt đời. Nếu bê nghé dưới 3 tháng tuổi nên tiêm nhắc lại sau 2 tháng và nếu bê nghé sinh ra hoặc được bú sữa đầu từ mẹ đã được tiêm phòng trước khi đẻ 1 tháng thì bê nghé dưới 6 tháng tuổi khỏi tiêm phòng.

+ Vệ sinh, tiêu độc khử trùng theo Hướng dẫn kỹ thuật tiêu hủy của ngành Thú y;

- Phòng, chống côn trùng chân đốt hút máu: Nguyên tắc chung không để trâu, bò bị côn trùng hút máu. Có nhiều cách như xua đuổi, sử dụng lưới, hóa chất,.. nếu sử dụng hóa chất nên dùng các loại sản phẩm thuốc thú y có thành phần Deltamethrin 2% liều phun theo hướng dẫn của nhà sản xuất như Bio Deltox,... phun chuồng 10ml thuốc pha 1 lít nước và phun toàn thân con vật 2,5ml pha trong 1 lít nước, 5 ngày/lần.

6. Điều trị

- Tăng cường sức đề kháng: Cho ăn thêm thức ăn mềm, dễ tiêu như cháo, cám, cỏ mềm,... và các loại thức ăn bổ sung chứa nhiều vitamine, khoáng chất.

- Tùy theo triệu chứng từng ca bệnh dùng thuốc cụ thể như sau:

* Mức độ 1: Da nổi cục ít (vài cục), chưa lở loét, con vật không sốt, ăn uống bình thường thì chưa cần điều trị, chỉ cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh như trên.

* Mức độ 2: Da nổi cục nhiều nhưng chưa lở loét, con vật không sốt, ăn uống bình thường thì sử dụng dung dịch Iodin 3-5% phun toàn thân ngày 2 lần  và áp dụng các biện pháp phòng bệnh như trên.

 * Mức độ 3: Da nổi cục nhiều, có một số cục vở loét, con vật không sốt, ăn uống bình thường thì ngoài việc sử dụng dung dịch Iodin 3-5% phun toàn thân còn dùng thêm thuốc Xanh Metylen + Kháng sinh như Vime-Blue, Drema – spray, Bio–Blue– spray xịt vào ổ loét ngày 2 lần và áp dụng các biện pháp phòng bệnh như trên.

 * Mức độ 4: Da nổi cục nhiều, có một số nốt sần bị vở loét, con vật sốt, bỏ ăn thì ngoài việc can thiệp như mức độ 3 còn phải sử dụng thuốc hạ sốt, chống viêm như VIME- ABC, ANALGIN, Ketophen, Diclophenax...và tiêm kháng sinh kéo dài như các dòng Amox LA, PenStrep LA, Ceftiofur,...  liệu trình 2-3 ngày. Ngoài ra, nếu thở khó dùng thuốc thú y Bio-Bromhexine tiêm 1ml/10kg/2lần/ngày và cho uống cháo loãng, chế phẩm có glucose bắt buộc hay truyền dịch glucose 10%.

Văn Chung

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 799

Tổng số lượt xem: 4152767