Truy cập nội dung luôn

Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực

14/12/2021 11:19    297

Với mục tiêu tăng cường sự gắn kết giữa các tổ chức dẫn đầu về nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) của Việt Nam, nhằm tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ và đề xuất những giải pháp góp phần phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc, ngày 11/12/2021, tại Vĩnh Phúc, Bộ KH&CN phối hợp Viện Hàn lâm KH&CN, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị thường niên về phát triển KH,CN&ĐMST và nguồn nhân lực bắt đầu từ năm 2021.

Tham dự Hội nghị có đồng chí: Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; Châu Văn Minh, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; Bùi Nhật Quang, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Vũ Hải Quân, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo, các cán bộ chủ chốt của Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. HCM và Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, cùng đại diện của các sở ban ngành.



Toàn cảnh Hội nghị

 

Chia sẻ, bàn bạc thử nghiệm các chính sách KH&CN có tính đột phá

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong đó, KH,CN&ĐMST là một nội dung quan trọng trong các đột phá chiến lược và được xác định là động lực chính để tăng trưởng kinh tế. Từ thực tiễn hoạt động KH,CN&ĐMST trong thời gian qua và yêu cầu cấp thiết của công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, diễn đàn nhằm thảo luận, góp ý cho việc hoàn thiện pháp luật về KH,CN&ĐMST, đồng bộ với các pháp luật liên quan. Trong đó, tập trung vào các chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; các chính sách nhằm phát triển thị trường KH&CN, thương mại hoá kết quả nghiên cứu;...

Ngay trong nhiệm kỳ này, Bộ KH&CN cũng đã đăng ký trình Quốc hội 5 luật, đều là những luật sẽ có tác động lớn đến hoạt động KH,CN&ĐMST như: Luật KH&CN, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá, Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, Luật Năng lượng nguyên tử. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã “đặt hàng” Bộ nghiên cứu sự cần thiết để xây dựng Luật Vũ trụ quốc gia trong thời gian tới.

“Quá trình xây dựng văn bản pháp luật này rất cần sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý khoa học công tác tại 02 Viện Hàn lâm, 02 Đại học Quốc gia, là các đầu mối quản lý KH,CN&ĐMST lớn nhất của đất nước. Sự tham gia từ sớm của các nhà khoa học, các nhà quản lý chắc chắn sẽ cung cấp được nhiều luận cứ khoa học và thực tiễn, giúp các chính sách này gần gũi hơn với cuộc sống, mang lại hiệu quả chung cho ngành, cũng như cho sự phát triển của kinh tế - xã hội”. Bộ trưởng cho biết.

Theo Bộ trưởng, diễn đàn cũng được kỳ vọng là nơi chia sẻ, bàn bạc về việc thử nghiệm các chính sách có tính đột phá cùng thống nhất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành; là nơi tập hợp nguồn lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để hình thành và giải quyết các bài toán lớn cho đất nước. Minh chứng cho việc này, Lãnh đạo Chính phủ cũng đã đặt hàng với Bộ trong thời gian qua, thực tiễn phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, nguồn lực, ngành KH&CN có đủ năng lực để giải quyết các bài toán lớn, trong thời gian ngắn, phục vụ rất thiết thực cho đất nước; là nơi cùng bàn việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.

Báo cáo “Xây dựng Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030”, ông Hoàng Minh, Giám đốc Học viện KH,CN&ĐMST khẳng định, phát triển KH,CN&ĐMST được khẳng định là một nội dung đột phá chiến lược trong giai đoạn mới, là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Việc xây dựng Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 là một bước cụ thể hóa các nội dung về KH,CN&ĐMST được đề cập trong các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và được nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 kế thừa có chọn lọc quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và bổ sung những nội dung mới cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Cụ thể Chiến lược bổ sung nội hàm về ĐMST, là cầu nối đưa KH&CN vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm. Trong xu thế của toàn thế giới ngày nay, KH&CN gắn liền với sản xuất kinh doanh, gắn với quá trình thương mại hóa kết quả tạo thành một chuỗi KH,CN&ĐMST. Trong đó, KH&CN tạo ra tri thức, còn ĐMST nhằm biến tri thức thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ứng dụng vào cuộc sống.

Mục tiêu trong 10 năm tới, ngành KH&CN sẽ đóng góp 45 - 50% vào chỉ số năng suất nhân tố tổng hợp (TFP); Đạt tối thiểu 45% tỷ trọng giá sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo; Đến năm 2030, đầu tư cho KH&CN đạt 1,5% - 2% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển đạt 1% - 1,2% GDP và đóng góp từ xã hội chi cho nghiên cứu và phát triển chiếm từ 65% - 70%. Phấn đấu đến năm 2030, số doanh nghiệp đạt tiêu chí của doanh nghiệp KH&CN và số doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tăng khoảng 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp...

Xây dựng và phát triển các hệ sinh thái ĐMST trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu, các cụm liên kết ngành, trong đó các doanh nghiệp lớn có vai trò trung tâm dẫn dắt các hoạt động sản xuất, kinh doanh và ĐMST. Các cơ quan quản lý Nhà nước có vai trò kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi, quan hệ liên kết giữa các doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất, các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức hỗ trợ để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và ĐMST nhằm nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế…

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò dẫn dắt

Đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ cho biết, để phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với khoa học xã hội và nhân văn. Nhiều vấn đề lý luận cơ bản và thực tiễn về sự phát triển của đất nước cần tiếp tục được làm sáng tỏ, cần có những câu trả lời thoả đáng từ những người làm công tác khoa học xã hội nói chung, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nói riêng.

Trong thời gian tới, để góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021 - 2030, PGS.TS Nguyễn Xuân Trung cho rằng, cùng với việc tập trung nghiên cứu các vấn đề khoa học xã hội cơ bản về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam cần “tích cực cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách; bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, con người Việt Nam” mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Trong thời gian tới, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam có kế hoạch, cụ thể, tiếp tục tập trung nghiên cứu, giải đáp những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản của sự phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn kết chặt chẽ khoa học xã hội với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho khoa học xã hội. Đổi mới căn bản hoạt động công bố, quảng bá các kết quả nghiên cứu khoa học theo hướng điện tử hóa, số hóa; nâng cao năng lực hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn.

Là đơn vị dẫn đầu về số lượng bằng sáng chế và giải pháp hữu ích (410) trong khối viện nghiên cứu và trường đại học tại Việt Nam, đại diện Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam khẳng định, để đổi mới sáng tạo thành công thì người lãnh đạo, quản lý cũng phải là người có tư duy đổi mới sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Chính vì vậy cần tạo điều kiện, động lực cho các nhà khoa học, công nghệ nghiên cứu, đổi mới. Kết quả của nhiệm vụ luôn phải gắn với sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy thương mại hóa, nâng cao giá trị của công nghệ.

Đại diện Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cũng nêu quan điểm của Viện, đổi mới sáng tạo có tính liên ngành, do đó cần thành lập Hội đồng Đổi mới sáng tạo quốc gia do Thủ tướng làm Chủ tịch Hội đồng; Nhà nước cần giao quyền Sở hữu trí tuệ của các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nghiên cứu; cần xây dựng Quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ các spin-off tại các viện nghiên cứu và trường đại học lớn. Đặc biệt cần thử nghiệm mô hình thương mại hóa công nghệ đặc thù (sandbox) với một cơ chế đặc biệt tại các trường đại học, viện nghiên cứu lớn.

Nhằm đề xuất mô hình, tư vấn cơ chế chính sách cho phát triển KH,CN&ĐMST, Trưởng ban KH&CN, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh Lâm Quang Vinh thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế trong hoạt động KH&CN, đó là việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật chưa theo kịp với tốc độ phát triển của các sản phẩm mới, công nghệ mới. Thương mại hóa sáng chế khó khăn dẫn đến nhà khoa học thiếu động lực đăng ký sáng chế. Chưa có các mô hình tổ chức KH&CN mới để áp dụng các cơ chế và chính sách đặc biệt. Cần triển khai thí điểm mô hình hợp tác Doanh nghiệp – Nhà khoa học – Nhà nước, từ đó hình thành vườn ươm, doanh nghiệp KH&CN trong trường đại học, chú trọng nhiều đến sản phẩm tài sản sở hữu trí tuệ theo mô hình hợp tác doanh nghiệp.

Để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ hình thành từ kết quả nghiên cứu trong trường đại học, theo đại diện của Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, cần lấy đổi mới mô hình quản trị làm “nền tảng”, nhân sự - hợp tác – tài chính là “trụ cột” và các định hướng đột phá là “mũi nhọn”. Đầu tư tập trung các lĩnh vực có tiềm lực và thế mạnh. Tiếp tục đầu tư các nhóm nghiên cứu mạnh/ Trung tâm xuất sắc nghiên cứu liên ngành làm chủ công nghệ nền. Định hướng phát triển liên kết đại học – doanh nghiệp theo kinh nghiệm quốc tế. Định hướng phát triển khởi nghiệp gắn với môi trường học thuật. Cần xây dựng hạ tầng kinh tế số về giáo dục, y tế. Các trường đại học cần xây dựng lộ trình công nghệ nhất định để có chất lượng đào tạo cũng như sản phẩm nghiên cứu khoa học cao. Cùng nhau giải quyết bài toán đặt hàng của nhà nước và doanh nghiệp…

Đồng quan điểm trên, đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS Vũ Văn Tích- Trưởng Ban KH&CN đưa ra đề xuất hợp tác phát triển KH,CN&ĐMST để cùng giải quyết các vấn đề bất cập, nổi cộm, quan trọng của ngành, đất nước, cũng như các vấn đề quốc tế, khu vực có mối quan tâm chung, đó là cùng thực hiện một nhiệm vụ lớn tạo sản phẩm quốc gia, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung về tiềm lực KH&CN, nhân lực KH&CN trong các lĩnh vực, hệ thống Phòng thí nghiệm trong các lĩnh vực, các sản phẩm công nghệ tiềm năng, các quan hệ hợp tác...; thí điểm các cơ chế chính sách về phát triển hợp tác giữa khối Academy – Doanh nghiệp, thí điểm thu hút nhân tài ĐMST, thí điểm về khoán chi KH&CN đến sản phẩm cuối cùng…

Làm rõ thêm vấn đề, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân cho rằng, công tác nghiên cứu cần gắn với nhu cầu của xã hội. Giai đoạn tới, các bên liên quan cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, hướng đến hợp tác công tư trong KH&CN nhằm đẩy mạnh ĐMST. Thời gian tới, Đại học Quốc gia sẽ đặt hàng nghiên cứu theo hướng kinh doanh.

Đại diện doanh nghiệp, “Nhà sáng chế” Trịnh Đình Năng cũng đóng góp ý kiến, để phát triển KH,CN&ĐMST, đất nước phải có sản phẩm công nghệ dẫn dắt. Nhà nước cần quan tâm hơn, có cơ chế hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với các nhà sáng chế không chuyên, như bản thân ông và các nhà sáng chế không chuyên khác luôn được Bộ KH&CN đồng hành, hỗ trợ về kinh phí và cơ chế chính sách để phát triển các sản phẩm.

Là chủ nhà đăng cai tổ chức diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, việc tổ chức Hội nghị với chủ đề “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực” là cơ hội tốt để Vĩnh Phúc có dịp giới thiệu về vùng đất, con người và thành tựu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời đây cũng là dịp để Tỉnh trao đổi học hỏi kinh nghiệm, thảo luận về những thuận lợi cũng như những khó khăn, thách thức của Tỉnh về lĩnh vực KH&CN, từ đó tìm ra các giải pháp khả thi, các định hướng phát triển, các nghiên cứu khoa học, các ý kiến tư vấn của các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Từ đó, giúp Vĩnh Phúc rút ra các bài học kinh nghiệm, đề ra các hướng đi mới cho phát triển KH&CN, để KH&CN Vĩnh Phúc phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là áp dụng KH&CN trong các vấn đề về phát triển đô thị thông minh; về quản lý và xử lý bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng; giải pháp tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao…

Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Châu Văn Minh chia sẻ, mặc dù mỗi đơn vị đều có cách tiếp cận riêng nhưng đều hướng tới mục tiêu phát triển KH,CN&ĐMST, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Tuy nhiên Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho rằng, để phát triển đồng bộ không thể bỏ qua nghiên cứu cơ bản, bởi nghiên cứu cơ bản cung cấp luận cứ cho phát triển đồng bộ, liên ngành về KH&CN.

Cũng tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã chia sẻ các vấn đề liên quan. Các ý kiến đều cho rằng, cần gắn chiến lược KH,CN&ĐMST với giáo dục đào tạo; tạo môi trường bình đẳng cạnh tranh về nghiên cứu KH&CN công lập và tư nhân; hình thành trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo đầy đủ các lực lượng như viện/trường/doanh nghiệp…; cần đo lường hoạt động về ĐMST cụ thể để đánh giá toàn diện khía cạnh KH&CN Việt Nam, để làm được cần xây dựng Cơ sở dữ liệu đầy đủ; nên có chiến lược đào tạo nhân lực khoa học giai đoạn 10 năm theo hướng cá thể hóa.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, các báo cáo tham luận tại Hội nghị đã trình bày những vấn đề quan trọng về phát triển KH,CN&ĐMST và phát triển nguồn nhân lực từ quy mô địa phương đến quốc gia, từ các tổ chức đào tạo đến các tổ chức nghiên cứu hàng đầu, từ những vấn đề vướng mắc cụ thể đến các vấn đề về cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng KH,CN&ĐMST...

“Với trách nhiệm là đơn vị quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh để tiếp thu các vấn đề đã được trao đổi và chia sẻ tại Hội nghị ngày hôm nay, cũng như các vấn đề liên quan nhằm cụ thể hóa Chương trình phối hợp bằng những hành động thiết thực, từng bước góp phần khẳng định vai trò động lực quan trọng của KH,CN&ĐMST trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ đất nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.



Ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025

 

Tại Diễn đàn, các cơ quan tham dự cũng đã cùng nhau ký kết Chương trình phối hợp công tác trong giai đoạn tới nhằm gắn kết giữa các cơ quan, tiến tới có những hoạt động phát huy sức mạnh, tiềm lực chung để góp phần giải quyết các vấn đề của quốc gia và lan tỏa sự liên kết này đến các thành phần rộng rãi hơn. Chương trình nhằm tư vấn chính sách, định hướng giải pháp phát triển KH,CN&ĐMST và nguồn nhân lực; chia sẻ thông tin về thành tựu, sản phẩm nghiên cứu và đào tạo tiêu biểu…; xây dựng các mô hình liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu, đào tạo hàng đầu đất nước để phát huy sức mạnh chung cùng giải quyết các vấn đề quan trọng của quốc gia.

Nguồn: https://ipvietnam.gov.vn/

Thuý Hồng

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 844

Tổng số lượt xem: 4152053