Đảm bảo an toàn bức xạ trong công nghiệp.
02/10/2019
Cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, việc sử dụng các thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng ngãi ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, hoạt động này nếu không được kiểm soát chặt chẽ có thể xảy ra những sự cố đáng tiếc, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người và môi trường. Để thấy rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Vũ Đăng Ninh, chuyên viên cao cấp, Nguyên Chánh văn phòng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.
Ông Vũ Đăng Ninh: Trong nhiều năm qua, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp trên toàn quốc nói chung và ở địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có sự phát triển mạnh mẽ. Nguồn phóng xạ và thiết bị bức xạ được sử dụng để chụp ảnh phóng xạ nhằm kiểm tra chất lượng mối hàn và đánh giá chất lượng các sản phẩm cấu kiện. Nguồn phóng xạ và thiết bị bức xạ được sử dụng rộng rãi trong thiết bị đo mức chất lỏng trong các silo; đo độ dày của vật liệu như độ dày của các tấm thép, giấy, cao su; được sử dụng rộng rãi trong phân tích huỳnh quang tia X để phân tích các thành phần của hợp kim. Bên cạnh mặt tích cực của việc sử dụng nguồn phóng xạ và thiết bị bức xạ, chúng ta cần lưu ý: Tia X phát ra từ thiết bị bức xạ và nguồn phóng xạ là bức xạ ion hóa, nó có thể xuyên qua cơ thể con người và gây nên các hiệu ứng có hại, thậm chí nếu con người bị chiếu với liều lượng cao có thể sinh bệnh tật, trong đó có bệnh ung thư.
PV: Thưa ông, những nguy cơ mất an toàn bức xạ có thể xảy ra khi sử dụng các thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ trong công nghiệp?
Ông Vũ Đăng Ninh: Những nguy cơ mất an toàn bức xạ (ATBX) có thể xảy ra khi sử dụng thiết bị bức xạ trong công nghiệp bao gồm: Nguồn phóng xạ có thể bị cháy, nếu trong môi trường có nhiệt độ cao, lớp vỏ bảo vệ nguồn phóng xạ bị nóng chảy, chất phóng xạ sẽ phát tán vào môi trường. Nguồn phóng xạ có thể bị đánh cắp, bị đập phá… trong trường hợp này, chất phóng xạ cũng có khả năng phát tán vào môi trường. Nguồn phóng xạ có thể bị rơi khỏi container bảo vệ, khi đó suất liều tại vị trí sẽ rất cao. Khi đó, thiết bị bức xạ và nguồn phóng xạ có thể gây nên việc chiếu quá liều đối với nhân viên bức xạ và người xung quanh.
PV: Vậy, để đảm bảo công tác an toàn bức xạ tại các cơ sở, theo ông cần có những biện pháp gì?
Ông Vũ Đăng Ninh: Để đảm bảo ATBX trong các cơ sở ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp thì trước hết, nhân viên bức xạ là người vận hành, bảo dưỡng, sữa chữa nguồn phóng xạ và thiết bị bức xạ phải được đào tạo đầy đủ về chuyên môn và về ATBX. Nhân viên bức xạ phải tuân thủ nội quy ATBX, quy trình làm việc, phải đeo liều kế cá nhân, phải sử dụng các trang thiết bị bảo vệ bức xạ phù hợp và phải có kỹ năng ứng phó sự cố bức xạ.
Đối với người đứng đầu cơ sở bức xạ: Trước hết, phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan về ATBX, phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện ghi trong giấy phép hoạt động của cơ sở. Người đứng đầu cơ sở phải tổ chức đào tạo, huấn luyện cho nhân viên bức xạ, phải quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn bao gồm tạo môi trường làm việc an toàn, cung cấp đầy đủ thiết bị ghi đo bức xạ và trang thiết bị bảo hộ lao động. Người đứng đầu cơ sở phải lập kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp cơ sở và định kỳ tổ chức diễn tập ứng phó sự cố.
Đối với Sở Khoa học và Công nghệ, là cơ quan quản lý nhà nước về ATBX trên địa bàn tỉnh cần phải thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành về lĩnh vực ATBX để tổ chức thực hiện. Sở KH&CN thường xuyên kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực ATBX đối với các cơ sở bức xạ trong công nghiệp. Sở cũng cần được trang bị những thiết bị cần thiết để ứng phó sự cố và tổ chức diễn tập ứng phó sự cố theo định kỳ.
Tôi hy vọng rằng, với sự phát triển của KHCN và với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATBX ngày càng hoàn thiện thì chúng ta hoàn toàn có thể ngăn ngừa được các sự cố bức xạ, ngăn ngừa được các rủi ro để đảm bảo an toàn cho con người và môi trường.
Xin cảm ơn ông!
PHƯƠNG DUNG
(Theo Bản tin KH&CN, số 04/2019)
Tin liên quan
-
Tập huấn về điều tra chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) tỉnh Quảng Ngãi 2019.
-
Hội nghị Tập huấn công tác ứng phó sự cố bức xạ năm 2019.
-
Triển khai thực hiện dự án “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý Trà Bồng cho sản phẩm Quế của tỉnh Quảng Ngãi.
-
04 nguyên tắc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ.
-
Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận chè Minh Long.
-
Tập huấn nghiệp vụ sở hữu trí tuệ năm 2019.
-
Tăng cường công tác quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
-
Vươn tới giải vàng: Sở hữu Trí tuệ và Thể thao (Reach for gold: Ip and Sports)
-
Lễ phát động và diễu hành ngày sở hữu trí tuệ 2019.
-
Thông điệp Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4/2019 - Đường tới Huy chương Vàng: Sở hữu trí tuệ và Thể thao.
-
Tổ chức lớp đào tạo ATBX năm 2019 cho nhân viên Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
-
Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020: Một số kết quả nổi bật.
-
Đào tạo an toàn bức xạ cho nhân viên trong công nghiệp và Y tế năm 2019.
-
Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân năm 2018.
-
Hội nghị phổ biến và tập huấn về công tác ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh Quảng Ngãi năm 2018.
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập: 1787
Tổng số lượt xem: 1963732