Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận chè Minh Long.
17/07/2019
Chè là cây trồng kinh tế chủ lực của huyện Minh Long và sản phẩm chè Minh Long ngày càng được người tiêu dùng quan tâm sử dụng. Để giữ gìn giá trị, phát triển sản phẩm chè truyền thống của địa phương, tạo điều kiện cho người dân an tâm sản xuất và nâng cao đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện thì cần có chính sách quản lý và phát triển sản phẩm thích hợp. Dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận chè Minh Long” được UBND huyện Minh Long thực hiện thời gian qua, đã nâng cao giá trị sản phẩm chè truyền thống của địa phương, ổn định thu nhập và mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân vùng núi nơi đây.
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, dự án tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng canh tác, thu hoạch chè và chế biến, đóng gói, bảo quản chè của người dân địa phương và thị trường tiêu thụ sản phẩm chè trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, dự án thành lập ban quản lý thực hiện việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận chè Minh Long cùng với hệ thống văn bản, tài liệu liên quan đến quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận chè Minh Long gồm các quy trình về hướng dẫn kỹ thuật trồng chè, chăm sóc, thu hái chè; quy trình kỹ thuật sơ chế, đóng gói, bảo quản sản phẩm chè tươi; hệ thống nhãn, bao bì sản phẩm; phương tiện, tài liệu quảng bá, tuyên truyền về nhãn hiệu chứng nhận chè Minh Long....
Dự án tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm thực tiễn về kỹ thuật canh tác, thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm chè và các mô hình quản lý nhãn hiệu chứng nhận ở các tỉnh khác cho cán bộ thực hiện dự án. Dự án triển khai đưa nhãn hiệu chứng nhận vào thực tiễn qua phát triển mạng lưới thành viên sử dụng nhãn hiệu chứng nhận với 247 thành viên và 01 Hợp tác xã tham gia sử dụng nhãn hiệu chứng nhận chè Minh Long; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trồng, chăm sóc, hướng dẫn thu hái chè lá, sơ chế, đóng gói, gắn nhãn… cho các thành viên sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
Ngoài ra, dự án phát triển sản xuất cho sản phẩm chè của địa phương bằng việc đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sơ chế, đóng gói, bảo quản chè tươi như tủ mát, cân lò xo, bàn sơ chế, khung giá...; đồng thời trồng mới 6 ha chè tại 3 xã Long Hiệp (24 hộ), Long Mai (4 hộ) và Thanh An (10 hộ), mỗi xã là 2 ha, làm cơ sở cho người trồng chè tiếp cận đúng các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái để tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm chè tươi của địa phương. Ông Lê Văn Hưng, cán bộ dự án đánh giá: Qua quá trình triển khai trồng mới chè trên địa bàn 3 xã của huyện Minh Long, cán bộ kỹ thuật và cán bộ phụ trách dự án đã hướng dẫn cho bà con ở 3 xã thực hiện trồng chè đúng theo quy trình kỹ thuật đã được ban hành. Kết quả kiểm tra các vườn chè được trồng mới phát triển tốt, đạt tỷ lệ 90%.

Ông Nguyễn Đình Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Long Hiệp đang hướng dẫn nhân viên cách đóng gói và bảo quản chè tươi. Sản phẩm chè được các hộ dân thu hái về và được HTX Nông nghiệp Long Hiệp thu mua, sơ chế, đóng gói với bao bì có gắn nhãn hiệu và thông tin về sản phẩm rõ ràng, sản phẩm bảo quản đảm bảo theo hướng sạch, tự nhiên và vận chuyển cung cấp cho thị trường trong tỉnh. Nhờ vậy giá thành của sản phẩm được nâng lên đáng kể, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Ông Nguyễn Đình Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Long Hiệp cho hay: Sau khi nhãn hiệu chè Minh Long được công nhận đã nâng giá thành sản phẩm chè trên thị trường và đem lại hiệu quả cho người dân trồng chè ở huyện. Chè Minh Long tuy đã có uy tín trên thị trường trong tỉnh nhưng chỉ được tiêu thụ ở chợ, nhưng từ khi có nhãn hiệu, HTX đưa sản phẩm chè vào tiêu thụ ở cửa hàng, siêu thị và sắp đến HTX đưa sản phẩm chè ra thị trường ngoài tỉnh. Người tiêu dùng chuộng sản phẩm chè Minh Long không chỉ vì tốt sức khỏe mà còn là sản phẩm sạch.
Kết quả của dự án cho thấy trên cùng một đơn vị diện tích canh tác của cây chè và cây keo năm 2016, một ha chè người dân thu bình quân từ 30-40 triệu đồng/năm, trong khi đó một chu kỳ cây keo từ 4-5 năm người dân thu bình quân từ 60-70 triệu đồng. Như vậy, giá trị kinh tế từ cây chè mang lại cao hơn rất nhiều so với cây keo, giúp người dân ở đây cải thiện cuộc sống.
Ông Tạ Văn Thuận, hộ dân trồng chè ở thôn Minh Xuân, xã Long Mai, huyện Minh Long nhận xét: Vườn chè của gia đình tôi trước khi thực hiện dự án trồng được 300 cây, phát triển tương đối tốt. Sau khi dự án cho trồng chè mới với diện tích gần 1 ha chè, khoảng 3.600 cây. Đến nay, tôi thấy cây chè phát triển tốt, trong thời gian đến nguồn thu từ cây chè giúp gia đình tôi xóa đói giảm nghèo.
Qua dự án, người dân nâng cao ý thức giữ gìn, nhân rộng diện tích trồng chè. Hiện nay UBND huyện xây dựng dự án“Vùng chuyên canh cây chè huyện Minh Long” với qui mô trồng mới 500 ha chè.
Có thể thấy rằng, dự án đã đem lại cho hộ trồng chè trên địa bàn huyện Minh Long thu nhập cao hơn so với trước đây, diện tích trồng chè tăng lên theo từng năm, chất lượng chè ngày một tăng lên, sản phẩm chè được nâng cao về giá trị thương hiệu, tạo được uy tín trên thị trường, thúc đẩy nghề trồng chè truyền thống của huyện phát triển lâu dài trong thời gian đến.
Ông Nguyễn Đức Thịnh, chủ nhiệm dự án đánh giá: Sau khi dự án được tỉnh cho thực hiện, người dân ý thức đây là cây trồng chủ lực của huyện, đem lại giá trị kinh tế; từ đó họ cải tạo vườn chè hiện có của mình và trồng thêm diện tích chè mới. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 95 ha chè và 13 ha chè được trồng mới. Từ dự án này, huyện đã xây dựng dự án chuyên canh cây chè ở địa phương với quy mô khoảng 500 ha, được thực hiện từ năm 2019-2023. Từ khi cây chè có nhãn hiệu chứng nhận và được công nhận là sản phẩm chè đảm bảo chất lượng thì giá trị của cây chè Minh Long trên thị trường ngày một tăng lên, giá bán 1 lọn chè trước đây là 6.000 đồng, đến nay 1 lọn chè ở thị trường của tỉnh có giá bán từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng. Sản phẩm chè Minh Long được đưa vào tiêu thụ ở siêu thị của tỉnh. Mục tiêu lâu dài của huyện cũng xác định chè Minh Long là cây trồng chủ lực của địa phương.
Thành công của dự án góp phần gìn giữ và phát triển cây chè truyền thống của địa phương; tạo điều kiện để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè trên địa bàn huyện Minh Long được gắn kết hơn; nâng cao giá trị sản phẩm chè xanh truyền thống và tạo nguồn thu nhập ổn định, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân trồng chè nơi đây, thúc đẩy kinh tế huyện phát triển trong giai đoạn đến.
TRINH NỮ
(Theo Bản tin KH&CN, số 03/2019)Tin liên quan
-
Tập huấn nghiệp vụ sở hữu trí tuệ năm 2019.
-
Tăng cường công tác quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
-
Vươn tới giải vàng: Sở hữu Trí tuệ và Thể thao (Reach for gold: Ip and Sports)
-
Lễ phát động và diễu hành ngày sở hữu trí tuệ 2019.
-
Thông điệp Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4/2019 - Đường tới Huy chương Vàng: Sở hữu trí tuệ và Thể thao.
-
Tổ chức lớp đào tạo ATBX năm 2019 cho nhân viên Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
-
Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020: Một số kết quả nổi bật.
-
Đào tạo an toàn bức xạ cho nhân viên trong công nghiệp và Y tế năm 2019.
-
Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân năm 2018.
-
Hội nghị phổ biến và tập huấn về công tác ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh Quảng Ngãi năm 2018.
-
Hội nghị về việc xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm chủ lực, đặc trưng địa phương.
-
Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh.
-
An toàn bức xạ: Một số vấn đề cần quan tâm.
-
Đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp ở tỉnh Quảng Ngãi.
-
Tiếp sức cho những thay đổi -Phụ nữ với hoạt động đổi mới sáng tạo.
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập: 1774
Tổng số lượt xem: 1963779