Truy cập nội dung luôn

Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020: Một số kết quả đạt được

21/09/2020 10:00    496

Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây lắp An Ngãi tham gia Chương trình hỗ trợ doanh nhiệp đổi mới thiết bị công nghệ.

Trong giai đoạn 2016-2020, việc triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp đã đạt được kết quả tích cực. Một số doanh nghiệp sau khi áp dụng công cụ, mô hình nâng cao năng suất và chất lượng như 5S, LEAN… năng suất đã có sự cải thiện rõ rệt, tăng đến 20-30%, góp phần nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh

Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Ngãi xác định nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh về vai trò của hoạt động đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, hệ thống các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đổi mới thiết bị công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường làm mục tiêu chính.  Đến nay các Chương trình nay đã đạt một số kết quả khả quan.
Về công tác tuyên truyền phổ biến: Chương trình đã tổ chức Hội nghị triển khai ở cấp tỉnh, giới thiệu các nội dung của Chương trình cho hơn 100 doanh nghiệp và hơn 50 cán bộ làm công 7 tác quản lý trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các huyện: Đức Phổ, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Bình Sơn và Ban quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi tổ chức 07 Hội nghị tuyên truyền Chương trình, có 320 đối tượng là công chức ở huyện, các doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các huyện, thành phố tham gia. Tuyên truyền phổ biến nội dung Chương trình trên Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi (34 số) và Báo Quảng Ngãi (44 số). Xây dựng và phát hành 12 phóng sự trên Đài phát thanh- Truyền hình Quảng Ngãi.Quảng bá Chương trình trên Công thông tin điện tử của tỉnh và Bản tin Khoa học và Công nghệ. Thực hiện tuyên truyền Chương trình thông qua địa chỉ email cho hơn 570 tổ chức sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. 

Khóa đào tạo “Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ bằng giải pháp quản lý tinh gọn LEAN”.

Khóa đào tạo “Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ bằng giải pháp quản lý tinh gọn LEAN”.

Về công tác đào tạo, tập huấn: Song song với công tác thông tin tuyên truyền, công tác đào tạo, tập huấn cũng được Sở Khoa học và Công nghệ quan tâm đúng mức và tổ chức thực hiện kịp thời đảm bảo nội dung của Chương trình. Kết quả: Đã phối hợp với Viện Năng suất Chất lượng Việt Nam (Chi nhánh tại Đà Nẵng) tổ chức 05 khóa đào tạo nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức về năng suất chất lượng cho 162 lượt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đào tạo, các doanh nghiệp đã nắm được vai trò và lợi ích của việc áp dụng các công cụ cải tiến cũng như các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất của doanh nghiệp; Tổ chức 01 Hội thảo về Hoạt động đổi mới- sáng tạo nâng cao năng suất, chất lượng cho  60 doanh nghiệp tham gia. Đồng thời, để nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất kinh doanh về tầm quan trọng của việc đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ và nâng cao năng lực quản lý về sở hữu trí tuệ ở các cơ quan, ban, ngành, địa phương, tỉnh đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 03 khóa tập huấn cho hơn 300 lượt doanh nghiệp và cán bộ quản lý của các địa phương về các chủ đề như: Công tác thực thi quyền SHTT; nghiệp vụ sở hữu trí tuệ cho các cán bộ quản lý và các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh về việc lập hồ sơ đăng ký bảo hộ, khai thác và sử dụng hiệu quả nhãn hiệu hàng hoá và đặc sản làng nghề; nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý.

Qua 5 năm triển khai, Chương trình KH&CN hỗ trợ đổi mới thiết bị, công nghệ đã hỗ trợ cho 17 dự án đổi mới thiết bị, công nghệ trong sản xuất kinh doanh với tổng kinh phí hỗ trợ là 6,2 tỷ đồng. So với giai đoạn 2011-2015, Chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ giai đoạn 2016 – 2020 đã hỗ trợ tăng 340% về số lượt doanh nghiệp (giai đoạn 2011 – 2015: 5 lượt), tăng 310% về kinh phí hỗ trợ (giai đoạn 2011 – 2016: 2,038 tỷ đồng). Chương trình đã tạo động lực và thu hút vốn của doanh nghiệp vào việc đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ với tổng kinh phí trên 24,9 tỷ đồng, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, giảm tỉ lệ phế phụ phẩm, tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí nhân công, tăng thu nhập bình quân cho người lao động, tăng lợi nhuận của doanh nghiệp. Chương trình đã có hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ đến các doanh nghiệp khác, thúc đẩy phong trào đổi mới thiết bị công nghệ trên địa bàn tỉnh.

Sản phẩm tỏi Lý Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ trao chứng nhận chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn cho lãnh đạohuyện Lý Sơn.

Sản phẩm tỏi Lý Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ trao chứng nhận chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn cho lãnh đạohuyện Lý Sơn.

Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016 - 2020 đã xét duyệt, thẩm định hồ sơ và hỗ trợ cho 72 hồ sơ của 45 tổ chức doanh nghiệp, trong đó có 64 nhãn hiệu hàng hóa và 8 hồ sơ tham gia hội chợ/đạt giải thưởng Hội chợ quốc tế và thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam, tổng kinh phí hỗ trợ là 1,1 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay có 235 đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu (26 đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, 14 đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận; 195 đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thông thường); 05 đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, 05 đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp 148 bằng bảo hộ nhãn hiệu; 02 bằng bảo hộ độc quyền sáng chế; 02 bằng bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp và 15 đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ. So với giai đoạn 2011-2015, thì giai đoạn 2016-2020 số văn bằng được bảo hộ trong toàn tỉnh bình quân là 43,3 văn bằng/năm trong khi đó giai đoạn 2011 – 2015 chỉ đạt bình quân 36,4 văn bằng/năm. Chương trình KH&CN phát triển tài sản trí tuệ đã góp phần đưa hoạt động sở hữu trí tuệ tới gần hơn với người dân và doanh nghiệp, định hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm đảm bảo chất lượng, chủ động truy cập nguồn gốc xuất xứ, qua đó nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên địa bàn.
Chương trình nâng cao năng suất chất lượng đã hỗ trợ cho 104 lượt doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng với tổng số tiền ước tính 3.700 triệu đồng. Các doanh nghiệp sau khi áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ nâng cao năng suất và chất lượng năng suất đã có sự cải thiện rõ rệt, tăng bình quân từ 20% đến 30%. Chương trình đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm cũng như tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.  
Đến nay, các doanh nghiệp ở Khu kinh tế Dung Quất đã đầu tư áp dụng công nghệ, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, hiện đại trong lĩnh vực lọc hóa dầu, sản xuất thiết bị công nghiệp nặng, chế biến gỗ xuất khẩu; các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh đã đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong bảo quản hạt giống, chế biến nông sản, thực phẩm, chế tạo cơ khí,… Các doanh nghiệp có thành tích tiêu biểu trong việc áp dụng tiến bộ KH&CN và đổi mới sáng tạo, như: Nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Công ty CP Đường Quảng Ngãi, Công ty TNHH Nông Lâm nghiệp TBT, Công ty TNHH KH&CN Nông Tín, Công ty CP cơ khí và xây lắp An Ngãi, Công ty TNHH Giống cây trồng Miền Trung, Công ty TNHH SXTM & ĐT Tam Minh, Công ty TNHH Chế biến thủy sản Tấn Thành, Nhà máy Chế biến thuỷ sản Hưng Phong,... Cùng với việc đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ và áp dụng hệ thống, công cụ quản lý hiện đại, các địa phương: Ba Tơ, Nghĩa Hành, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Lý Sơn,… đã quan tâm đến việc xây dựng nhãn mác hàng hóa, tạo lập thương hiệu cho sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương mình, qua đó nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. 
Có thể nói, Chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020 đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về việc áp dụng KH&CN để nâng cao trình độ công nghệ sản xuất của doanh nghiệp; hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ sản xuất, bảo hộ nhãn hiệu, trưng bày, quảng bá sản phẩm, từng bước hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Theo Bản tin KH&CN số 04/2020.

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1555

Tổng số lượt xem: 4217604