Truy cập nội dung luôn

Ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất

15/04/2020 14:34    210

Trong năm qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp đã giữ vai trò quan trọng và là động lực cho sự phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.

Năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thực hiện theo dõi, quản lý 45 nhiệm vụ KH&CN (04 nhiệm vụ cấp nhà nước, 39 nhiệm vụ cấp tỉnh và 02 nhiệm vụ cấp cơ sở), tổ chức nghiệm thu 14 nhiệm vụ KH&CN và chuyển giao kết quả 10 nhiệm vụ KH&CN đến các sở, ngành, đơn vị tiếp tục khai thác, sử dụng. Trong đó, kết quả của nhiều đề tài, dự án KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần cung cấp cơ sở khoa học triển khai các dự án quy mô lớn, ứng dụng tổng hợp các thành tựu KH&CN xây dựng cánh đồng mẫu lớn gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tiêu biểu là kết quả dự án: “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình cánh đồng mẫu sản xuất nguyên liệu sắn tại huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi” được triển khai tại 3 xã Sơn Trung, Sơn Cao và Sơn Linh của huyện Sơn Hà. Dự án đã chuyển giao công nghệ và xây dựng 03 mô hình thâm canh và canh tác sắn bền vững, gồm: Mô hình thâm canh và cơ giới hóa đối với cây sắn trên đất gò đồi (có độ dốc dưới 10%) và đất bằng, quy mô 30ha; Mô hình canh tác sắn có trồng xen cây lạc trên đất bằng, quy mô: 15 ha; Mô hình thâm canh tác cây sắn có trồng xen cây đậu đen và áp dụng cơ giới hóa trên đất dốc, quy mô 15ha. Qua 2 vụ sản xuất, năng suất sắn tại các mô hình đạt khoảng 33 tấn/ha, cao gấp đôi so với phương thức canh tác trước đây; Hàm lượng tinh bột đạt khoảng 27%. Ông Phùng Tô Long, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Dự án đã đem lại hiệu quả tích cực, tăng năng suất cây mì trên diện tích trồng thuần và trồng xen khoảng 20% so với chưa áp dụng khoa học kỹ thuật; Thu nhập của bà con nông dân trên một diện tích cũng được nâng lên nhiều lần, trước đây mỗi hecta bà con sản xuất thuần mì chỉ được 40-50 triệu đồng, sau khi áp dụng trồng xen thu nhập tăng lên từ 100-120 triệu đồng/ha/năm. Kết quả dự án không chỉ lan tỏa ở những hộ tham gia dự án mà còn ảnh hưởng tích cực đến những hộ xung quanh. Hiện nay người dân trong vùng đã học hỏi, nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất mì, áp dụng các giống mới để tăng năng suất và hạn chế dịch bệnh xảy ra trên cây trồng.  

Sản phẩm Chè Minh Long được trưng bày giới thiệu tại Hội chợ triển lãm sản phẩm Núi Ấn Sông Trà năm 2019.

Sản phẩm Chè Minh Long được trưng bày giới thiệu tại Hội chợ triển lãm sản phẩm Núi Ấn Sông Trà năm 2019.

Dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận chè Minh Long” do UBND huyện Minh Long triển khai đã đưa nhãn hiệu chứng nhận chè Minh Long vào thực tiễn qua phát triển mạng lưới thành viên sử dụng nhãn hiệu chứng nhận với 247 thành viên và 01 Hợp tác xã tham gia sử dụng nhãn hiệu chứng nhận chè Minh Long; Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trồng, chăm sóc, hướng dẫn thu hái chè lá, sơ chế, đóng gói, gắn nhãn… cho các thành viên sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; Phát triển diện tích trồng mới 6 ha chè tại 3 xã Long Hiệp, Long Mai và Thanh An; Nâng cao thu nhập cho người dân trồng chè bình quân từ 30-40 triệu đồng/ha/năm; Qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm chè truyền thống của địa phương, ổn định thu nhập và mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân vùng núi nơi đây. Ông Nguyễn Đức Thịnh, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Minh Long cho biết: Từ kết quả đem lại của dự án, người dân đã ý thức được chè là cây trồng chủ lực của huyện, đem lại giá trị kinh tế; từ đó họ cải tạo vườn chè hiện có của mình và trồng thêm diện tích chè mới. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 95 ha chè và 13 ha chè được trồng mới. Qua dự án này, huyện đã xây dựng dự án chuyên canh cây chè ở địa phương với quy mô khoảng 500 ha, được thực hiện từ năm 2019-2023. Từ khi được cấp nhãn hiệu chứng nhận chè Minh Long thì giá trị của cây chè Minh Long trên thị trường ngày một tăng lên, giá bán 1 bó chè (0,5kg) trước đây là 6.000 đồng, đến nay 1 bó chè ở thị trường của tỉnh có giá bán từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng. Sản phẩm chè Minh Long được đưa vào tiêu thụ trên thị trường tại 8 điểm chợ đầu mối, siêu thị Co.opmart và Công ty TNHH MTV VPSH tại Quảng Phú. 

Dự án: “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - nông dân để sản xuất ngô thương phẩm làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi trên đất lúa kém hiệu quả tại huyện Sơn Tịnh” đã xây dựng mô hình trồng thâm canh ngô thương phẩm trên đất lúa kém hiệu quả để làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tại xã Tịnh Giang, Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh với diện tích 160ha. Giống ngô lai mới được đưa vào sản xuất là LVN61 và CP333. Năng suất bình quân đạt trên 71 tạ/ha, sản lượng đạt 1.139 tấn. Ngô thương phẩm sau khi sấy đạt độ ẩm dưới 15%, không có hạt mốc, và tỷ lệ hạt nguyên trên 95%. HTX thu mua toàn bộ sản lượng ngô cho xã viên để tách hạt sấy khô và ký kết hợp đồng với doanh nghiệp. Đơn giá thu mua là 2 triệu đồng/tấn, tương đương 2.000 đồng/kg ngô trái. Ông Nguyễn Dần, thôn An Hòa, xã Tịnh Giang, hộ dân tham gia dự án cho biết: Tham gia dự án bà con chúng tôi hết sức phấn khởi, được nhà nước hỗ trợ từ khâu kỹ thuật, vật tư (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) đến cả khâu thu hoạch. Được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật và cán bộ dự án theo dõi, hướng dẫn tận tình nên năng suất ngô của các hộ dân có tăng hơn so với các năm trước. Vụ đông xuân 2019, theo đánh giá chung của bà con tham gia dự án năng suất ngô bình quân đạt 70 tạ/ha; riêng gia đình tôi chỉ với 2 sào nhưng thu về 1 tấn ngô hạt. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, bà con vừa đỡ vất vả, nhất là khâu thu hoạch, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước đây.

Dự án: “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - nông dân để sản xuất ngô thương phẩm làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi trên đất lúa kém hiệu quả tại huyện Sơn Tịnh”

Dự án: “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - nông dân để sản xuất ngô thương phẩm làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi trên đất lúa kém hiệu quả tại huyện Sơn Tịnh”

Dự án “Ứng dụng kỹ thuật nuôi trâu cải tiến để nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc H’re và bảo vệ môi trường ở huyện Minh Long” được triển khai tại 2 xã Long Sơn và Long Môn. Số lượng trâu đực giống hỗ trợ là 12 con, bình quân 360 kg/con. Sau hơn 1 năm triển khai, đã có trên 267 trâu nái có chửa và 102 con nghé được sinh ra phát triển khoẻ mạnh. Số nghé mới sinh có trọng lượng nặng hơn và thân hình to khoẻ hơn so với giống nghé địa phương. Dự án đã giúp cho người đồng bào từng bước tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi trâu, biết cách xây dựng chuồng trại nuôi trâu kiên cố, trồng cỏ để cung cấp nguồn thức ăn xanh, dự trữ rơm rạ để chủ động được nguồn thức ăn cho trâu vào mùa mưa lạnh nên hạn chế được tình trạng trâu chết vì đói, từ đó tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi trâu, góp phần xoá đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc Hre, ông Đinh Công Bênh - Chủ Tịch xã Long Môn cho biết. 

Có thể thấy, thông qua việc thực hiện các đề tài, dự án KH&CN người dân đã từng bước tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất; tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương, phát triển kinh tế nông nghiệp... Qua đó, góp phần tích cực làm đổi thay diện mạo nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

PHƯƠNG DUNG

Theo Bản tin KH&CN số 01/2020.

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 991

Tổng số lượt xem: 4153287