Truy cập nội dung luôn

Công nghiệp Quảng Ngãi: VƯƠN LÊN TRONG GIAN KHÓ

14/02/2022 10:43    259

Những năm gần đây, ngành công nghiệp (CN) Quảng Ngãi ngày càng phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động Quảng Ngãi.

Riêng năm 2021, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) phải thay đổi liên tục kế hoạch sản xuất vì nguyên phụ liệu, mua sắm vật tư thiết bị nhập về không đồng bộ, không kịp thời... Dẫu vậy, các DN sản xuất CN của tỉnh vẫn nỗ lực vươn lên trong gian khó. 

Bản lĩnh Lọc dầu Dung Quất

Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) quản lý vận hành, được biết đến là biểu tượng của ngành CN Việt Nam và là động lực tăng trưởng của Quảng Ngãi. Mặc dù chịu tác động rất lớn bởi đại dịch Covid-19, BSR vẫn thể hiện được bản lĩnh của một DN đầu đàn, khi duy trì được công tác vận hành NMLD Dung Quất ổn định, liên tục và thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng sản phẩm xăng dầu cho phục hồi chuỗi sản xuất trong tình hình mới.

Xuất bán sản phẩm tại Cảng Jetty NMLD Dung Quất.

Xuất bán sản phẩm tại Cảng Jetty NMLD Dung Quất.

Tổng Giám đốc BSR Bùi Minh Tiến chia sẻ, quý III/2021 có thể xem là thời điểm khó khăn nhất của BSR, khi rất nhiều tỉnh, thành phố áp dụng Chỉ thị 16 hoặc 16+ trong một thời gian dài, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm, tồn kho tăng cao kỷ lục. Có những lúc, bài toán liệu có phải đóng cửa NMLD Dung Quất không, cũng được đặt ra. Chấp nhận đứt gãy chuỗi sản xuất, hay duy trì vận hành, đâu là giải pháp ít tổn thất nhất?

“Đứng trước bài toán khó đó, để không đứt mạch sản xuất và cung ứng xăng dầu, chúng tôi đã chủ động triển khai các giải pháp quản trị biến động như: Vận hành nhà máy ở mức tối thiểu, tối ưu hóa cơ cấu sản phẩm; huy động các kho ngoài nhà máy để tăng dung tích chứa sản phẩm, ban hành các chính sách kích cầu, tích cực đàm phán với các đối tác, để hoán đổi hoặc giãn tiến độ nhận các lô dầu thô, nhằm duy trì sản xuất, tránh tồn kho nhiều dầu thô… Đồng thời, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở cấp độ cao nhất và phương án “3 tại chỗ” đã được thiết lập tại NMLD Dung Quất. Đến khi thị trường có tín hiệu khởi sắc hơn và Chính phủ chủ trương thay đổi phương thức phòng chống dịch, nới lỏng giãn cách, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh an toàn, BSR đã bắt nhịp tăng tốc kịp thời, tận dụng cơ hội để tăng công suất của NMLD Dung Quất từ công suất tối thiểu lên 85% vào ngày 22/9, hiện đang vận hành ở 100% công suất. Việc chủ động tăng công suất vận hành, đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho, linh hoạt trong chính sách bán hàng của BSR, cũng như các DN kinh doanh xăng dầu sẽ đảm bảo nguồn cung trong nước, hạn chế các trường hợp trục lợi, đầu cơ, găm hàng, góp phần hỗ trợ các DN và người dân nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất trở lại ngay sau đại dịch”, ông Tiến chia sẻ.

Nhờ những nỗ lực quản trị, kiên định triển khai các giải pháp đúng đắn, kết quả năm 2021, BSR đã duy trì vận hành NMLD Dung Quất an toàn, ổn định ở công suất và hiệu quả sản phẩm tối ưu, phù hợp với nhu cầu và tình hình thị trường. Ngoài ra, BSR còn đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, thử nghiệm các loại dầu thô mới và tối ưu hóa sản xuất, cơ cấu sản phẩm. NMLD Dung Quất đã sản xuất đạt trên 6,37 triệu tấn sản phẩm các loại, doanh thu đạt trên 70 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 7.500 tỷ đồng…

Vững vàn vượt qua đại dịch

Trải qua “cơn sóng cả” đại dịch Covid-19 bủa vây, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết tất cả các DN cả nước. Vậy mà, những doanh nghiệp (DN) sản xuất CN “đầu đàn” của Quảng Ngãi như Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Doosan Vina, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất, Công ty CP Đường Quảng Ngãi… đã nỗ lực triển khai thực hiện tốt các giải pháp quản trị biến động, duy trì vận hành sản xuất kinh doanh ổn định, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của tỉnh.

Đối với Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, các máy móc, thiết bị siêu trường, siêu trọng lắp đặt cho Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất nhập cảng chậm hơn so với kế hoạch. Sau đó, nhà máy lại chậm tiến độ vận hành vì các chuyên gia nước ngoài không thể đến Việt Nam do đường hàng không ngừng vận chuyển; đến khi được nhập cảnh, các chuyên gia phải mất hai tuần để cách ly... Tuy nhiên, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất vẫn nỗ lực vừa đảm bảo phòng dịch, vừa hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh. Tháng 1/2021, Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động đồng bộ và chỉ sau 9 tháng vận hành, sản lượng sản xuất thép thô của khu liên hợp đạt gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Thành phẩm thép cán xây dựng đạt 1,2 triệu tấn, tăng 26% so với cùng kỳ; sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 1,9 triệu tấn. Đời sống của 12 nghìn cán bộ, công nhân viên được đảm bảo.

“Trên thế giới, các dự án thép quy mô lớn thường sau vài năm mới có lãi, rất hiếm trường hợp như Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất, có lãi ngay từ năm đầu tiên. Khu liên hợp này được Hòa Phát xem là dự án chiến lược quan trọng, sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo vị thế nhà sản xuất thép hàng đầu khu vực Đông Nam Á cho Tập đoàn”, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho biết. Cũng theo ông Trần Đình Long, tổng nhu cầu thép cuộn cán nóng của Việt Nam năm 2020 là 12 triệu tấn, bình quân thị trường này tăng 10%/năm. Hiện nay tại Việt Nam, hai nhà sản xuất thép cuộn cán nóng là Hòa Phát Dung Quất và Công ty Formosa có sản lượng khoảng 8 triệu tấn. Rõ ràng, nhu cầu thị trường với sản phẩm này còn rất lớn và đây là cơ hội để mở rộng quy mô sản xuất, vượt lên chiếm lĩnh thị phần HRC.

Xuất bán thép xây dựng tại cảng chuyên dụng của Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất.

Xuất bán thép xây dựng tại cảng chuyên dụng của Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất.

Trong khi đó, Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất Mai Văn Hà cho biết, công ty đang đẩy nhanh thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 tại KKT Dung Quất. Dự án có quy mô công suất dự kiến 5,6 triệu tấn/năm, tập trung sản xuất thép cuộn cán nóng. Với diện tích 284ha, khu liên hợp 2 sẽ có vốn đầu tư dự kiến 85 nghìn tỷ đồng. Khi hoàn thành dự án này, năng lực sản xuất thép của Hòa Phát sẽ đạt gần 14 triệu tấn/năm, trong đó, riêng sản phẩm HRC là 8 triệu tấn. Dự kiến, Tập đoàn Hòa Phát sẽ lọt vào tốp 25 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới từ năm 2025 với doanh thu hàng năm có thể đạt trên 200 nghìn tỷ đồng, trong đó HRC dự kiến đóng góp hơn một nửa số này.

Còn với Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (Doosan Vina), để đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, công ty đã thực hiện trên 7.000 lượt xét nghiệm nhanh kháng nguyên; phối hợp tổ chức tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đủ 2 liều cho 100% NLĐ; đồng thời chú trọng đến công tác an toàn, nâng cao chất lượng, năng suất sản xuất, đẩy mạnh hoạt động cải tiến; khai thác mọi kênh giao tiếp để tiếp cận khách hàng, tham gia vào công tác đấu thầu cũng như đẩy mạnh marketing sản phẩm của công ty.

Tổng Giám đốc Doosan Vina Jeong Young Chil cho biết: “Nhờ tận dụng tối đa mọi nguồn lực và đa dạng hóa các quy trình sản xuất, trong năm 2021, Doosan Vina đã xuất đi hàng chục nghìn tấn sản phẩm đến Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam với doanh thu đạt trên 260 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt gần 20 triệu USD. Hiện nay, công ty đang thực hiện một số dự án như Nhiệt điện Vân Phong 1, cẩu trục Gemalink số 7&8, Nhiệt điện Jawa 9&10, Nhiệt điện Palu 3, Sarawak và Heurtey Heater Radian Section cung ứng cho khách hàng trong và ngoài nước. Còn riêng trong năm 2020, công ty xuất đi thành công 1.004 chuyến hàng với tổng khối lượng hơn 52 nghìn tấn đến 9 quốc gia trên thế giới và đạt doanh thu 431 triệu USD, trong đó doanh thu xuất khẩu đạt 37 triệu USD”, ông Jeong Young Chil cho hay.

Những nỗ lực vượt bậc của Doosan Vina trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và duy trì, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian qua đã cho thấy bản lĩnh và đẳng cấp vượt trội của một doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu đàn tại Quảng Ngãi. Đến nay, sau 15 năm đầu tư vào KKT Dung Quất (từ tháng 11/2006, với tổng vốn 300 triệu USD, diện tích 110ha), Doosan Vina vẫn “nắm giữ” là doanh nghiệp FDI lớn nhất, hiệu quả nhất tại Quảng Ngãi. Tính đến nay, Doosan Vina đã xuất khẩu các sản phẩm có giá trị 2,4 tỷ USD. Ngoài ra, thông qua sự kết nối, giới thiệu và quảng bá của Doosan Vina đã có một số nhà đầu tư Hàn Quốc đến với Quảng Ngãi.

Năm 2021, chỉ số sản xuất CN của tỉnh tăng 10%. Giá trị sản xuất CN ước đạt 120.553 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2020, đạt 94,8% kế hoạch năm. Trong đó, giá trị sản xuất CN ngoài dầu ước đạt 50.388 tỷ đồng, tăng 23,8% so với năm 2020. Tỷ trọng ngành CN - xây dựng và dịch vụ trong GRDP đạt 63,6%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.680 triệu USD, tăng 19,3% so với năm 2020, vượt 20% kế hoạch năm.

 

Theo Bản tin KH&CN số 06-2021.

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 564

Tổng số lượt xem: 4217000