Truy cập nội dung luôn

Hội nghị đầu bờ mô hình canh tác cây cải ngọt theo hướng an toàn sinh học.

18/01/2022 16:26    294

Sáng ngày 18/01/2022, tại Nhà sinh hoạt văn hoá thôn 6, xã Nghĩa Dũng, thành phố Quảng Ngãi, Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ khoa học công nghệ phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh tổ chức Hội nghị đầu bờ mô hình canh tác cây cải ngọt theo hướng an toàn sinh học vụ Đông Xuân 2021-2022. Tham dự có đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân thành phố Quảng Ngãi, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Quảng Ngãi, UBND xã Nghĩa Dũng, Hội Nông dân xã Nghĩa Dũng, các hộ dân thực hiện mô hình và 30 hộ dân sản xuất rau ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng, thành phố Quảng Ngãi.

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Mô hình canh tác cây cải ngọt theo hướng an toàn sinh học vụ Đông Xuân 2021-2022 thuộc đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Điều tra đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa, gạo và một số loại rau chủ yếu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi” do Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ khoa học công nghệ chủ trì thực hiện; ThS. Trần Thị Cẩm Vân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm và ThS. Nguyễn Thế Vĩnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh đồng chủ nhiệm đề tài.

Mô hình thực hiện từ tháng 12/2021 đến tháng 01/2022 tại thôn 6, xã Nghĩa Dũng, thành phố Quảng Ngãi với quy mô 2.000 m2, sử dụng cải giống Champion, lượng giống gieo 200g/sào; tổ chức 03 đợt tập huấn cho các hộ dân tham gia mô hình và bà con nông dân trong vùng sản xuất với 150 lượt người tham gia. Chuyển giao kỹ thuật về làm đất, xử lý hạt giống và gieo hạt; sâu bệnh hại đầu vụ và bón thúc đợt 1, đợt 2; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” và tuân thủ các quy định về an toàn trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; hướng dẫn chăm sóc và khắc phục đối với cây rau sau mưa lụt; hướng dẫn phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh giữa-cuối vụ; thu hoạch và bảo quản.

Người dân đánh giá kết quả thực hiện mô hình.

Người dân đánh giá kết quả thực hiện mô hình.

Kết quả thực hiện mô hình canh tác cây cải ngọt theo hướng an toàn sinh học đã đem lại hiệu quả như giảm được lượng giống gieo trên đơn vị diện tích (giảm 100g/500m2) tạo điều kiện cho cây cải ngọt sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh; hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (giảm 1,0 lần phun thuốc, giảm được 3 loại thuốc); sử dụng chế phẩm sinh học trichoderma bổ sung nấm có lợi cho đất, sử dụng bẫy dính màu bắt trưởng thành có cánh của các loại sâu nhằm giảm tỷ lệ sâu, bệnh gây hại trên ruộng; sử dụng thuốc trừ sâu, bệnh có nguồn gốc sinh học để thay thế các thuốc trừ sâu, bệnh có nguồn gốc hoá học giảm nguy cơ ô nhiễm hoá chất bảo vệ thực vật trong nông sản, giảm ô nhiễm môi trường.

Mô hình trồng cây cải ngọt.

Mô hình trồng cây cải ngọt.

Ruộng mô hình ước tính năng suất đạt 1,1 tấn/500m2, cao hơn ruộng ngoài mô hình 0,2 tấn/500m2 (ngoài mô hình 0,9 tấn/500m2). Lợi nhuận đem lại cho người nông dân trong mô hình 1.094.000 đồng/500m2; ruộng ngoài mô hình 626.000 đồng/500m2. So với ruộng ngoài mô hình thì người nông dân thực hiện mô hình lãi cao hơn 468.000 đồng/500m2. Nguyên nhân chủ yếu là do giảm được lượng giống gieo sạ, giảm thuốc bảo vệ thực vật và năng suất cây cải tăng.

Đại biểu tham quan mô hình trồng cây cải ngọt.

Đại biểu tham quan mô hình trồng cây cải ngọt.

Qua tham quan thực tế ngoài đồng ruộng, nhận thấy cây cải ngọt trong mô hình sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh và đang cho thu hoạch, năng suất cao, chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đại biểu tham dự đánh giá cao kết quả thực hiện của mô hình so với ruộng ngoài mô hình và mong muốn được nhân rộng mô hình và chuyển giao hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trong vùng sản xuất cây rau trên địa bàn của xã.

Ruộng trồng cây cải ngọt ngoài mô hình.

Ruộng trồng cây cải ngọt ngoài mô hình.

 

Nguyễn Bình

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 630

Tổng số lượt xem: 4210764