Truy cập nội dung luôn

Trồng tỏi hữu cơ ở Lý Sơn

29/07/2021 16:16    687

Hiện nay, sản xuất tỏi hữu cơ an toàn đang là hướng đi của nhiều người dân ở huyện đảo Lý Sơn, bởi mong muốn đưa đến cho người tiêu dùng sản phẩm tỏi chất lượng, an toàn.

 Mô hình trồng tỏi hữu cơ của anh Đặng Văn Trọng.

Mô hình trồng tỏi hữu cơ của anh Đặng Văn Trọng.

Trước đây, người dân Lý Sơn có thói quen sử dụng thuốc diệt cỏ hóa học để vệ sinh đồng ruộng và sử dụng phân hóa học bón lót, bón thúc cho cây tỏi. Điều này khiến môi trường ô nhiễm, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe người dân cũng như làm đất bị chai cứng, giữ nước kém và giảm độ màu mỡ. Vài năm gần đây, nhiều nông dân trên đảo đã liên kết với doanh nghiệp chuyển sang phương thức canh tác tỏi theo hướng hữu cơ an toàn. Phương pháp này đã giúp đất tơi xốp, điều đặc biệt là tạo ra được sản phẩm tỏi chất lượng, không gây ô nhiễm môi trường. 

Anh Phạm Văn Công (34 tuổi), Giám đốc Công ty Cổ phần Dori, là một trong những người tiên phong trồng tỏi hữu cơ an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Để đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm tỏi sạch, năm 2016 anh Công đã nghiên cứu phương thức canh tác hữu cơ. Thay vì hút cát biển để trồng hành tỏi, phải tìm cách tận dụng cát cũ để tiếp tục canh tác, toàn bộ quy trình canh tác tỏi đều áp dụng phương thức hữu cơ. 2 ha đất mà anh Công hợp tác cùng 10 hộ dân đã cho ra đời những sản phẩm tỏi đạt chuẩn VietGap. “Trên mảnh đất tôi canh tác không có một giọt thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hay là thuốc trừ nấm, điều này làm môi trường xung quanh trở nên an toàn. Loại tỏi được làm từ phương pháp hữu cơ chất lượng cao hơn, bảo quản được lâu hơn, các tinh chất có lợi trong tỏi cao hơn so với các loại tỏi thông thường”, anh Công bày tỏ.

Sản phẩm tỏi đen làm từ tỏi Lý Sơn của Công ty Cổ phần Dori.

Sản phẩm tỏi đen làm từ tỏi Lý Sơn của Công ty Cổ phần Dori.

Anh Đặng Văn Trọng (35 tuổi) ở thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn, sau khi tốt nghiệp đại học ngành cơ khí, có công việc và thu nhập ổn định tại TP. Hồ Chí Minh, nhưng anh quyết tâm trở lại quê hương Lý Sơn để dồn hết tâm huyết cho trồng tỏi sạch. Đây là năm thứ ba anh Trọng thực hiện mô hình trồng tỏi theo hướng hữu cơ an toàn. Bắt tay vào làm nông sản sạch, anh Trọng gặp không ít khó khăn khi môi trường đất bị nhiễm phèn, sâu bệnh hoành hành; nhưng với quyết tâm, tư duy tuổi trẻ, anh đã mạnh dạn phục hồi lại đất và tạo môi trường sinh thái xung quanh ruộng tỏi của mình. Hai năm đầu năng suất đạt thấp, với diện tích 400m2 anh chỉ thu được 40 kg tỏi. Hai năm sau đó, năng suất tăng lên 60% -70%. Năng suất không cao nhưng bù lại mỗi kg tỏi hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP được bán ra thị trường có giá cao hơn 3 – 4 lần so với tỏi bình thường. 

Anh Trọng cho biết: Quy trình sản xuất tỏi hữu cơ đều không dùng đến chất hóa học, chỉ dùng những gì là hữu cơ từ lá cây, phân bò, rong biển. Phòng trừ sâu bệnh thì anh tự chế dung dịch từ lá cây, dung dịch này làm sâu bệnh không tấn công được cây tỏi. Sắp tới anh hướng đến mở rộng quy mô sản xuất, một mặt tăng nguồn cung cấp cho khách hàng, mặt khác vận động bà con nông dân chuyển hướng làm nông nghiệp sạch một cách bền vững.
Từ năm 2018 đến năm 2020, tại Lý Sơn có 2 doanh nghiệp và 120 hộ gia đình tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, trong đó chủ đạo là tỏi.  

Tỏi Lý Sơn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tỏi Lý Sơn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Để không ngừng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm tỏi, huyện Lý Sơn đã liên kết với Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín triển khai đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, bảo quản và chế biến tỏi Lý Sơn bền vững theo chuỗi giá trị”, với tổng vốn đầu tư trên 11 tỷ đồng. Đề tài được thực hiện trong 3 năm trên diện tích 100 ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Vụ tỏi năm nay được áp dụng trên diện tích 10 ha, 2 vụ còn lại tăng lên 100 ha. Thực hiện đề tài này, Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín liên kết với khoảng 200 hộ nông dân để ứng dụng các phương pháp khoa học-công nghệ trong trồng tỏi. Quy trình canh tác tỏi không thay đổi hoàn toàn phương thức canh tác truyền thống của nông dân, doanh nghiệp chỉ bổ sung dinh dưỡng, tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng cho đất. Quá trình chăm sóc tỏi đều sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ vi sinh. Tỏi sản xuất ra đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP. "Người nông dân khi tham gia trồng tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ hạn chế việc phun thuốc hóa học, nâng cao được giá trị thu nhập qua công nghệ sản xuất, chế biến tỏi an toàn. Đề tài giúp người dân cải thiện môi trường sống, và đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm tỏi an toàn”, kỹ sư nông nghiệp Phan Sơn, chủ nhiệm đề tài cho biết.

Theo Bản tin KH&CN số 03-2021.

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1064

Tổng số lượt xem: 4153416