Trang thông tin điện tử

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quốc hội thông qua Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo: Khơi thông tiềm lực, chấp nhận rủi ro để bứt phá

Sáng 27/6, với 435/438 đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo gồm 73 điều, có hiệu lực từ ngày 1/10/2025. Luật mở đường cho các chính sách lớn nhằm thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trên phạm vi toàn quốc.

Đầu tư trọng điểm, phát triển trung tâm nghiên cứu trình độ cao

Luật xác định rõ định hướng phát triển hạ tầng khoa học và công nghệ hiện đại, ưu tiên xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, kết nối hiệu quả giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục đại học sẽ được hỗ trợ phát triển thành trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Cùng với đó, hoạt động nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ sẽ được đẩy mạnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo và các địa phương có điều kiện khó khăn. Nhà nước sẽ đầu tư hạ tầng, hỗ trợ nhân lực và chuyển giao công nghệ để thu hẹp khoảng cách phát triển.

Lần đầu tiên luật hóa nguyên tắc “chấp nhận rủi ro” trong nghiên cứu khoa học

Một điểm đột phá đáng chú ý là Luật quy định rõ cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ sẽ được miễn trách nhiệm hành chính, dân sự, và thậm chí trách nhiệm hình sự, nếu đã làm đúng quy trình, không vi phạm pháp luật và không sử dụng sai mục tiêu, phạm vi kinh phí.

Người phê duyệt và quản lý nhiệm vụ cũng được loại trừ trách nhiệm trong trường hợp tương tự. Chính phủ sẽ hướng dẫn cụ thể về tiêu chí đánh giá rủi ro khách quan, tạo hành lang pháp lý an toàn cho hoạt động nghiên cứu thử nghiệm.

Khuyến khích đầu tư mạo hiểm, thúc đẩy công nghệ đột phá

Luật nhấn mạnh vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, đầu tư hạ tầng, thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng gắn với nhu cầu thị trường. Các lĩnh vực công nghệ có tiềm năng tạo đột phá sẽ được ưu tiên nguồn lực.

Lần đầu tiên, Luật quy định chính sách khuyến khích nghiên cứu mạo hiểm như: thử nghiệm có kiểm soát, chia sẻ rủi ro, hỗ trợ tài chính đặc thù… Đồng thời, có cơ chế ưu đãi đặc biệt để thu hút chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao phục vụ các nhiệm vụ chiến lược quốc gia.

Khoán chi linh hoạt, tăng quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu

Luật cho phép khoán chi linh hoạt đến sản phẩm cuối cùng hoặc từng phần. Tổ chức chủ trì được tự chủ điều chỉnh khoản mục, thuê chuyên gia trong và ngoài nước theo thỏa thuận, miễn là sử dụng đúng mục đích và minh bạch tài chính. Điều này giúp rút ngắn thủ tục, tăng hiệu quả và tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ khoa học.

Đổi mới sáng tạo – từ khái niệm đến động lực tăng trưởng

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, điểm đặc biệt của Luật là lần đầu tiên đưa “đổi mới sáng tạo” thành cấu phần cốt lõi bên cạnh khoa học và công nghệ. Nếu khoa học – công nghệ là nền tảng, thì đổi mới sáng tạo là động lực lan tỏa, có thể đóng góp tới 3/4 tỷ trọng trong mức đóng góp 4% vào tăng trưởng GDP của toàn lĩnh vực.

Luật cũng chuyển hướng quản lý từ “kiểm soát đầu vào” sang “đánh giá hiệu quả đầu ra”, khuyến khích sáng tạo gắn với ứng dụng thực tiễn. Tổ chức, cá nhân có thể sở hữu kết quả nghiên cứu để thương mại hóa và được hưởng tối thiểu 30% thu nhập từ sản phẩm ứng dụng, đồng thời được miễn giảm thuế thu nhập cá nhân từ khoản thu nhập này.

“Luật không chỉ mở đường cho khoa học phát triển, mà còn giải phóng sức mạnh đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, từ viện nghiên cứu, doanh nghiệp đến người dân” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.


Tác giả: Thúy Hồng