Trang thông tin điện tử

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Danh sách kết quả đề tài, dự án khoa học và công nghệ đã nghiệm thu trong năm 2024

.

STT

TÊN ĐỀ TÀI, DỰ ÁN

I

CẤP TỈNH

1

Đề tài: Tuyển chọn, nhân nhanh một số giống sắn mới kháng bệnh khảm lá, năng suất cao phục vụ canh tác sắn bền vững tại Quảng Ngãi.

- Năm thực hiện: 2020-2022

- Lĩnh vực: Khoa học Nông nghiệp

- Cơ quan chủ trì: Viện Di truyền Nông nghiệp

- Chủ nhiệm dự án: GS.TS. Phạm Xuân Hội

- Mục tiêu của nhiệm vụ: 

- Chọn được ít nhất 02 giống sắn mới kháng bệnh khảm lá, có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất > 30 tấn/ha, hàm lượng tinh bột >27% phù hợp với điều kiện sản xuất tại tỉnh Quảng Ngãi.

- Nhân nhanh giống sắn kháng bệnh khảm lá, năng suất cao dự kiến được tuyển chọn và phát triển; đến tháng 1/2022 sản xuất lượng giống đủ gieo trồng 03-05 ha (01-02 ha cây in vitro và 02-03 ha cây vi nhân giống) phục vụ vi nhân giống, tháng 7/2022 sản xuất lượng giống đủ gieo trồng 15-20 ha phục vụ vi nhân giống, tháng 1/2023 cung cấp lượng giống cho sản xuất đủ gieo trồng 80-100 ha.

- Hoàn thiện và chuyển giao các quy trình kỹ thuật liên quan: quy trình nhân nhanh giống sắn mới bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào (in vitro); quy trình nhân giống trong nhà màng; hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh cho giống sắn mới tại tỉnh Quảng Ngãi.

- Xây dựng 03 mô hình canh tác giống sắn mới kháng bệnh khảm lá, năng suất cao, có diện tích 05ha/mô hình cho hiệu quả kinh tế > 15% so với giống cũ. Cung cấp giống sắn kháng bệnh khảm lá, năng suất cao phục vụ sản xuất 150 ha sắn niên vụ tiếp theo.

Kết quả thực hiện: 

Tuyển chọn được 4 giống sắn kháng bệnh khảm lá, năng suất đạt trên 30 tấn/ha và tiềm năng về hàm lượng tinh bột >27%, thích hợp với điều kiện canh tác tại Quảng Ngãi và xếp theo thứ tự: HN4, C36, HN5 và HN3.

Hoàn thiện quy trình nhân nhanh hai giống sắn HN3 và HN5 bằng kỹ thuật nuôi cấy in vitro; Thông qua công việc nhân giống sản xuất và xây dựng mô hình trình diễn đã tạo ra được tổng số 3.573.400 hom giống HN3 và HN5; Xây dựng các mô hình sản xuất giống sắn mới tại tỉnh Quảng Ngãi và cung cấp giống phục vụ sản xuất trong niên vụ tiếp theo với tổng diện tích 12,5 ha.

Kết quả đánh giá hiệu quả kinh tế từ mô hình canh tác hai giống sắn HN3 và HN5 tại Quảng Ngãi cho thấy hiệu quả mô hình khi trồng hai giống này tại Sơn Hà cao hơn so với giống đối chứng KM 94 tương ứng lần lượt là 75,87% và 79,78%; Tại Sơn Tịnh, kết quả đánh giá hiệu quả kinh tế khi canh tác giống HN5 cũng cho thấy hiệu quả kinh tế đạt 79,78% so với giống đối chứng trồng tại địa phương; Tại Nghĩa Hành, hiệu quả kinh tế khi canh tác giống HN3 tăng lên 54,12%- 57,52%  và giống HN5 tăng lên 60,37%-67,68% so với giống đối chứng KM 94.

- Kinh phí thực hiện: 4.760  triệu đồng

II

CẤP CƠ SỞ

1

Đề tài: Khảo sát thực trạng người bệnh HIV/AIDS bị kỳ thị và phân biệt đối xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2023.

- Năm thực hiện: 2023

- Lĩnh vựcKhoa học Y - Dược

- Cơ quan chủ trì: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi.

- Chủ nhiệm đề tài: BS.CKI. Phạm Đức Dũng

- Mục tiêu của nhiệm vụ:

- Mô tả thực trạng kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người bệnh HIV/AIDS đang quản lý tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi, năm 2023.

- Tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến sự kỳ thị và phân biệt đối xử ở đối tượng nghiên cứu.

- Kết quả thực hiện:

1. Thực trạng kỳ thị của người bệnh HIV/AIDS đang quản lý tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi, năm 2023 là 31,8%. Thực trạng phân biệt đối xử của người bệnh HIV/AIDS đang quản lý tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi, năm 2023 là 9,1%.

2. Một số yếu tố liên quan đến sự kỳ thị và phân biệt đối xử ở đối tượng nghiên cứu:

+ Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa biến độc lập là Giới tính; Trình độ học vấn; Sự tuân thủ điều trị; Sự hỗ trợ điều trị với biến phụ thuộc là kỳ thị của đối tượng nghiên cứu với p<0,05.

+ Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa biến độc lập là Trình độ học vấn; Tình trạng việc làm; Sự tuân thủ điều trị; Kiến thức cơ bản Phòng, chống HIV/AIDS với biến phụ thuộc là phân biệt đối xử của đối tượng nghiên cứu với p<0,05.

- Kinh phí thực hiện:  41 triệu đồng

2

Đề tài: Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật xâm lấn tối thiểu điều trị gãy xương cẳng chân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi.

- Năm thực hiện: 2023

- Lĩnh vựcKhoa học Y - Dược

- Cơ quan chủ trì: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi.

- Đồng chủ nhiệm đề tài: BS.CKI. Ngô Đình Giảng - ThS.BS. Đinh Phúc Thành.

- Mục tiêu của nhiệm vụ:

+ Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh nhân và chỉ định điều trị gãy xương vùng cẳng chân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi.

+ Đánh giá kết quả điều trị gãy xương vùng cẳng chân bằng phương pháp kết hợp xương xâm lấn tối thiểu trên màn hình tăng sáng và hướng khắc phục những khó khăn hạn chế khí áp dụng phương pháp này trong điều kiện thực tế của cơ sở y tế.

- Kết quả thực hiện:

+ Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng: Gãy đầu trên xương cẳng chân xảy ra ở độ tuổi trung bình là 40,03 tuổi, tỉ lệ nam/nữ là 1,92/1. Nguyên nhân chủ yếu là do tai nạn giao thông chiếm 74,3%. Phân độ ASA I chiếm tỷ lệ cao nhất 77,1%. Triệu chứng lâm sàng: mất cơ năng 100%, biến dạng chi 88,6%, bầm tím muộn 100%. Điểm VAS lúc vào viện là 6,94. Phân loại gãy đầu trên xương cẳng chân theo AO, 41B chiếm tỷ lệ cao nhất 45,7%.

+ Kết quả điều trị: Thời gian phẫu thuật trung bình là 103,80 ± 28,70. Thời gian nằm viện trước mổ trung bình 3,91 ± 4,05 ngày. Thời gian nằm viện trung bình là 11,57 ± 4,24 ngày. Kết quả tiêu chuẩn đánh giá của Larson – Bostman rất tốt chiếm đa số với 91,4%. Liền vết thương tốt chiếm 85,7%. Kết quả liền xương dựa vào phim X. Quang theo tiêu chuẩn của JL Haas và JY De La Cafinière 1 tháng rất tốt chiếm 88,6%, 3 tháng rất tốt chiếm 85,7%. Kết quả theo tiêu chuẩn Ter–Schiphorst 1 tháng và 3 tháng rất tốt chiếm lần lượt là 65,7% và 82,9%.

- Kinh phí thực hiện:  38,100 triệu đồng

3

Đề tài: Nghiên cứu giá trị tiên lượng của chỉ số MELD, MELDNa ở người bệnh xơ gan mất bù tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi.

- Năm thực hiện: 2022-2023

- Lĩnh vựcKhoa học Y - Dược

- Cơ quan chủ trì: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi.

- Chủ nhiệm đề tài: BS.CKII. Đặng Thị Ánh Nguyệt.

- Mục tiêu của nhiệm vụ:

+ Khảo sát chỉ số MELD, MELDNa ở người bệnh xơ gan mất bù tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi.

+ Đánh giá giá trị của chỉ số MELD, MELDNa trong tên lượng các biến chứng và tử vong xảy ra trong vòng 3 tháng ở nhóm bệnh nhân này.

- Kết quả thực hiện:

Với kết quả ban đầu ở 110 bệnh nhân xơ gan mất bù đề tài đã rút ra một số kết luận như sau:

1. Chỉ số MELD, MELDNa ở bệnh nhân xơ gan

- Điểm MELD trung bình ở nhóm bệnh nhân xơ gan trong nghiên cứu là: 16,3 ± 7,3.

- Điểm MELDNa trung bình ở nhóm bệnh nhân xơ gan trong nghiên cứu của chúng tôi là: 19,3 ± 7,5.

- Điểm MELDNa cao nhất ở nhóm bệnh nhân xơ gan virus phối hợp với rƣợu, và thấp nhất ở nhóm do nguyên nhân khác (p = 0,02).

2. Chỉ số MELD, MELDNa với tiên lượng các biến chứng:

- Điểm MELD tại thời điểm nhập viện ở nhóm 2,3 biến chứng có giá trị cao hơn nhóm có 1 biến chứng, với p = 0,002. Nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với MELD ở các nhóm biến chứng sau theo dõi 3 tháng.

- MELDNa với các nhóm biến chứng tại thời điểm nhập viện và sau 3 tháng đều khác nhau có ý nghĩa thống kê (p < 0,05).

- Giá trị MELD, MELDNa khác nhau giữa nhóm bệnh nhân có/không biến chứng bệnh não gan, hội chứng gan thận, tử vong có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Nhóm bệnh nhân nhiễm trùng báng, XHTH sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).

- Điểm cắt MELD là 16,5 và MELDNa 21,5 có giá trị tiên lượng tử vong trong 3 tháng (p < 0,001), AUC của MELD, MELDNa lần lƣợt là 0,758 và 0,778.

- Tóm lại, chỉ số MELD, MELDNa có giá trị tiên lượng khả năng sống còn đối với bệnh nhân xơ gan mất bù nói chung đồng thời cũng tiên lượng được khả năng không xảy ra các biến chứng như hội chứng gan thận, bệnh não gan.

- MELDNa có mối liên quan và giá trị tiên lượng tốt hơn MELD đặc biệt ở nhóm tử vong và nhóm biến chứng sau 3 tháng trong nghiên cứu.

- Kinh phí thực hiện:  39,900 triệu đồng

4

Đề tài: Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, hình ảnh cộng hưởng từ sọ não và điện não đồ ở bệnh nhi viêm não tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi.

- Năm thực hiện: 2023

- Lĩnh vựcKhoa học Y - Dược

- Cơ quan chủ trì: Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi.

- Chủ nhiệm đề tài: ThS.BS.CKII. Nguyễn Mậu Thạch.

- Mục tiêu của nhiệm vụ:

+ Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhi viêm não tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi

+ Phân tích một số yếu tố liên quan giữa các hinhg ảnh trên cộng hưởng từ sọ não và điện não đồ với tình trạng lâm sàng ở đối tượng nghiên cứu.

- Kết quả thực hiện:

Qua nghiên cứu 50 bệnh nhi viêm não điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi từ 01/2022 – 11/2023 cho thấy kết quả

1. Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhi viêm não: 

- Có 44,0% bệnh nhi có điểm Glasgow <9 điểm khi tri giác xấu nhất.

- Các triệu chứng thường gặp của hội chứng não cấp là co giật (42%), rối loạn trương lực cơ (38,0%) và yếu, liệt chi (22%). Trương lực cơ tăng chiếm tỷ lệ cao hơn so với giảm trương lực cơ (26,0% so với 12,0%). Đặc điểm co giật chủ yếu là co giật toàn thân, chiếm tỷ lệ 85,7%.

- Các triệu chứng thường gặp nhất của hội chứng màng não theo thứ tự lần lượt là đau đầu, quấy khóc (98,0%); cứng cổ/thóp phồng (90,0%); nôn (76,0%); kernig (67,7%).

- Có 84% bệnh nhân có số lượng hồng cầu bình thường và 46% bệnh nhân có hemoglobin bình thường.

- Đa số bệnh nhân có số lượng bạch cầu bình thường hoặc tăng (chiếm 98%).

- Tiểu cầu trong giới hạn bình thường chiếm 82,0%.

- Natri máu giảm chiếm tỷ lệ cao khá cao (38,0%). Nồng độ Natri máu trung bình là 136,84±6,81 (mmol/L).

- CRP tăng chiếm 58,0%. Trung vị của CRP là 14,09 (2,32-23,36) (mg/L).

- Số lượng tế bào dịch não tủy tăng ≤500 bạch cầu/mm3 chiếm tỷ lệ 92,0%. Trung vị số lượng tế bào dịch não tủy là 50,0 bạch cầu/mm3 . Bạch cầu lympho chiếm ưu thế. Trung vị phần trăm bạch cầu lympho là 95,0%. Đa số nồng độ protein dịch não tủy nằm trong mức bình thường hoặc tăng nhẹ chiếm tỷ lệ (88,0%). Trung vị nồng độ protein dịch não tủy là 0,4 g/L.

- Có 58,0% bệnh nhi phát hiện có bất thường khi đo điện não. Hoạt động 73 nền của điện não không phù hợp với lứa tuổi và trạng thái chiếm đa số (93,1%). Có 19/29 (65,5%) điện não có hoạt động sóng chậm. Trong đó đa số mang tính chất lan tỏa (57,9%). Vị trí hoạt động sóng chậm theo thứ tự thường gặp là: thái dương (73,7%); trán, chẩm (57,9%), đỉnh, sau (26,3%). Có 20,7% điện não có hoạt động động kinh.

- Có 38,0% bệnh nhi phát hiện có tổn thương viêm não khi chụp cộng hưởng từ sọ não. Tổn thương giảm tín hiệu trên xung T1W chiếm đa số (73,7%). Tất cả tổn thương đều tăng tín hiệu trên T2W và FLAIR (100%). Có 52,6% tổn thương tăng tín hiệu trên ADC.

- Có 24% bệnh nhi viêm não có đồng thời tổn thương trên cộng hưởng từ và bất thường trên điện não đồ.

2. Một số yếu tố liên quan giữa các hình ảnh trên cộng hưởng từ sọ não và điện não đồ với tình trạng lâm sàng ở bệnh nhi viêm não:

- Bệnh nhi viêm não có tổn thương ở đồi thị có tỷ lệ hôn mê cao hơn so với không hôn mê (66,7% so với 20,0%). Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p<0,05).

- Vị trí tổn thương ở thùy đỉnh có kết quả điều trị khỏi không di chứng gần cao hơn so với tử vong, di chứng gần (33,3% so với 0%). Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p<0,05).

- Không có mối liên quan giữa điện não đồ với tình trạng co giật, tình trạng hôn mê và kết quả điều trị

- Kinh phí thực hiện:  35 triệu đồng

5

Đề tài: Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và một số yếu tố liên quan đến các rối loạn tâm thần ở người bệnh hậu COVID-19 tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi.

- Năm thực hiện: 2023

- Lĩnh vựcKhoa học Y-Dược

- Cơ quan chủ trì: Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi.

- Chủ nhiệm đề tài: BS.CKI. Nguyễn Văn Bé.

- Mục tiêu của nhiệm vụ:

+ Mô tả đặc điểm lâm sàng các rối loạn tâm thần thường gặp ở người bênh hậu COVID - 19 đến khám và điều trị tại bệnh viện.

+ Khảo sát một số yếu tố liên quan đến rối loạn tâm thần ở đối tượng nghiên cứu.

- Kết quả thực hiện:

1. Đặc điểm lâm sàng rối loạn tâm thần của người bệnh hậu covid-19

- Về đặc điểm lâm sàng rối loạn trầm cảm: đặc điểm rối loạn giấc ngủ có tỷ lệ cao nhất là 91,4%. Tiếp đến là các đặc điểm khí sắc giảm, giảm tập trung chú ý, mất mọi quan tâm thích thú có tỷ lệ lần lượt là 85,7%, 77,1% và 71,4%. Có ý tưởng và hành vi tự sát chiếm tỷ lệ thấp nhất là 8,6%; Về mức độ trầm cảm của đối tượng nghiên cứu: mức độ nhẹ là 9,0%, mức độ vừa là 9,0%, mức độ nặng 1,7%.

- Về đặc điểm lâm sàng rối loạn lo âu: Phần lớn đối tượng nghiên cứu có ít nhất 1 triệu chứng thuộc nhóm triệu chứng không đặc hiệu, tỷ lệ triệu chứng không đặc hiệu là 91,5%. Tiếp đến là triệu chứng kích thích thần kinh thực vật có tỷ lệ 85,1%. Đặc điểm lâm sàng về triệu chứng toàn thân có tỷ lệ thấp nhất là 40,4%.

2. Một số yếu tố liên quan đến trầm cảm, lo âu của người bệnh hậu covid-19

- Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê đến trầm cảm ở người bệnh hậu COVID-19 như sau: người bệnh hậu COVID-19 đã từng điều trị tại cơ sở y tế khi mắc COVID-19 có nguy cơ trầm cảm gấp 12,5 lần đối tượng không điều trị tại cơ sở y tế; Phụ nữ trong thời kỳ mang thai/cho con bú khi mắc COVID-19 có nguy cơ trầm cảm gấp 8,4 lần phụ nữ không trong thời kỳ mang thai/cho con bú; Đã từng chứng kiến người chết do COVID-19 có nguy cơ trầm cảm gấp 10,4 lần so với đối tương chưa từng chứng kiến người chết do COVID-19; Có triệu chứng hậu COVID-19 đau nhức xương khớp kéo dài có nguy cơ trầm cảm gấp 11,5 lần đối tượng không có triệu chứng đau chứng xương khớp.

- Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê đến lo âu ở người bệnh hậu COVID-19 như sau: Bị kỳ thị khi mắc COVID-19 có nguy cơ lo âu gấp 4,8 lần đối tượng 96 không bị kỳ thị; Có triệu chứng hậu COVID-19 rối loạn chu kỳ kinh nguyệt có nguy cơ lo âu gấp 2,9 lần đối tượng không rối loạn chu kỳ kinh nguyệt

- Kinh phí thực hiện:  41 triệu đồng

6

Đề tài: Xây dựng Bộ đề thi trắc nghiệm và đáp án bộ đề thi trắc nghiệm Chương trình trung cấp lý luận chính trị ở trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi.

- Năm thực hiện: 2023

- Lĩnh vựcKhoa học xã hội

- Cơ quan chủ trì: trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi.

- Đồng chủ nhiệm đề tài: ThS. Đào Văn Quang - ThS. Lê Quang Huy

- Mục tiêu của nhiệm vụ:

Xây dựng bộ câu hỏi và đáp án phần thi trắc nghiệm trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị một cách khoa học, hợp lý nhằm đa dạng các hình thức thi trong chương trình Trng cấp Lý luận chính trị; Nâng cao chất lượng đánh giá học viên trong chương trình trung cấp lý luận chính trị.

- Kết quả thực hiện:

+ Xây dựng cơ sở lý luận về thi trắc nghiệm và tính cấp thiết thi trắc nghiệm trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi.

- Đã xây dựng hình thành bộ đề thi trắc nghiệm và đáp án chương trình Trung cấp lý luận chính trị ở Trường Chính trị Quảng Ngãi hiện nay

- Kinh phí thực hiện:  113 triệu đồng

7

Đề tài: Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức theo kết quả thực hiện nhiệm vụ tại Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi.

- Năm thực hiện: 2023

- Lĩnh vựcKhoa học xã hội

- Cơ quan chủ trì: trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi.

- Đồng chủ nhiệm đề tài: ThS. Nguyễn Thị Lan Anh - ThS. Ngô Thị Ngọc Ánh.

- Mục tiêu của nhiệm vụ:

Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức theo kết quả thực hiện nhiệm vụ, triển khai thành phần mềm đánh giá và xây dựng các giải pháp áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí đánh giá, phần mềm đánh giá tại Trường Chính trị Quảng Ngãi, là cơ sở triển khai công tác đánh giá khách quan, công bằng, thực chất, gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của viên chức, phù hợp với yêu cầu của từng vị trí việc làm, qua đó tạo động lực để mỗi viên chức Nhà trường không ngừng nâng cao năng lực, phẩm chất trong thực hiện các nhiệm vụ tại Trường.

- Kết quả thực hiện:

+ Đã tập trung tìm hiểu cơ sở lý luận về đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức theo kết quả thực hiện nhiệm vụ, làm rõ khái niệm, đặc điểm, vai trò, phương pháp đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức theo kết quả thực hiện nhiệm vụ; đặc điểm của đánh giá chất lượng viên chức theo kết quả thực hiện nhiệm vụ; tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức theo kết quả thực hiện nhiệm vụ. Đã phân tích những cơ sở thực tiễn về công tác đánh giá, xếp loại chất lượng đối với cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước nói chung và tại các Trường chính trị cấp tỉnh cũng như ở một số cơ quan, đơn vị ở tỉnh Quảng Ngãi nói riêng..

+ Đã đánh giá thực trạng công tác đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức ở Trường Chính trị. Từ kết quả điều tra, khảo sát và các thông tin, số liệu thu thập được cho thấy công tác này được diễn ra khá thuận lợi tại Trường trong giai đoạn 2019-2021. Tuy nhiên thông qua phân tích, đánh giá, nhóm nghiên cứu nhận thấy công tác này trong quá trình thực hiện còn tồn tại những hạn chế nhất định, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như: quy trình, phương pháp, nội dung, nhận thức, tâm lý của chủ thể đánh giá; đặc biệt là thiếu các tiêu chí đánh giá cụ thể, gắn liền với kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng viên chức.

+ Đã xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức của Trường theo kết quả thực hiện nhiệm vụ, đồng thời đề xuất xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức. Các tiêu chí được xây dựng bám sát các quy định, quy chế, Đề án vị trí việc làm của Nhà trường để phù hợp với đặc điểm, tình hình của Nhà trường, đủ cơ sở để triển khai thực hiện.

- Kinh phí thực hiện:  135 triệu đồng

8

Đề tài: Khảo sát thực trạng vườn thuốc nam tại các trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2023.

- Năm thực hiện: 2023

- Lĩnh vựcKhoa học Y-Dược

- Cơ quan chủ trì: trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi.

- Chủ nhiệm đề tài: DS.CKI. Phan Thanh Bảng.

- Mục tiêu của nhiệm vụ:

+ Khảo sát thực trạng xây dựng, quản lý, chăm sóc và sử dụng vườn thuốc nam mẫu tại tất cả các trạm y tế xã tỉnh Quảng Ngãi.

+ Tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến xây dựng, quản lý, chăm sóc và sử dụng vườn thuốc nam mẫu tại tất cả các trạm y tế xã tỉnh Quảng Ngãi.

- Kết quả thực hiện:

+ Có 114 trạm y tế (95%) có vườn vườn thuốc nam tại trạm nhưng chỉ có 4 VTN (3.5%) có đủ số lượng cây thuốc theo quy định.

+ Các VTN chủ yếu được xây dựng trong thời gian từ năm 2010 đến 2018 với diện tích trung bình là 71.7 m2

 + Cây thuốc nam tươi tốt được ghi nhận ở hầu hết các VTN (67.5%), chủ yếu là các cây thuốc có nguồn gốc từ địa phương và vùng xung quanh. Một số cây thuốc dễ trồng, phù hợp với điều kiện địa lý tại TYT, nhưng có một số cây khó trồng hoặc trồng rất ít tại các TYT như Địa hoàng (0%), Củ cốt khí, hạ khô thảo (0.9%), Mỏ quạ (2.6%), Kim ngân hoa, Nhót, Khổ sâm (3.5%), Đơn lá đỏ (4.3%)...

+ Mức độ quan tâm đến việc quản lý VTN tại các TYT là chưa được chú trọng khi chỉ có 15.9% các TYT có sổ sách ghi chép việc theo dõi VTN và 60.2% TYT có lịch phân công việc chăm sóc vườn thuốc. Số lần chăm sóc VTN/tháng còn ít. Có 22.6% số TYT không thực hiện nghiên cứu, tìm hiểu về cây thuốc nam cũng như cách trồng, chăm sóc cây thuốc.

- Kinh phí thực hiện:  72,6 triệu đồng

9

Đề tài: Nghiên cứu thiết kế và chế tạo robot cá quan trắc môi trường phục vụ đào tạo, nghiên cứu tại trường Đại học Phạm Văn Đồng.

- Năm thực hiện: 2023

- Lĩnh vựcKhoa học  Kỹ thuật công nghệ

- Cơ quan chủ trì: trường Đại học Phạm Văn Đồng.

- Chủ nhiệm đề tài: TS. Phạm Văn Anh.

- Mục tiêu của nhiệm vụ:

+ Thiết kế các mô đun cơ khí, mô đun điện, mô đun cảm biến đo đạc và hệ thống điều khiển của robot cá quan trắc môi trường.

+ Chế tạo, lắp đặt, vận hành các mô đun cơ khí, mô đun điện, hệ thống cảm biến, hệ thống điều khiển trên cá robot quan trắc môi trường.

+ Xây dựng bài thực hành về robot cá quan trắc môi trường liên quan đến các học phần: Thiết kế hệ thống cơ điện tử, hệ thống điều khiển tự động, công nghệ cảm biến, phục vụ sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Cơ khí và Cơ điện tử.

   Kết quả thực hiện:

+ Xây dựng bản thiết kế robot cá ở dạng mô đun, có thể tháo lắp linh hoạt từng mô đun như: mô đun đẩy, mô đun điều chỉnh trọng tâm, mô đun đo đạc thông số môi trường nước.

+ Thiết kế lập trình mở với việc sử dụng 3 kiểu mô đun vi điều khiển 32 bit: Tiva (với trình biên dịch Energia), Arduino mini Zero/M0 và ESP8266- 12E. Cho phép người sử dụng có thể dễ dàng tải, chỉnh sửa hoặc tự viết chương trình điều khiển riêng. Thiết kế phần cứng với nhiều cảm biến, cổng mở rộng, giúp người sử dụng có nhiều sự lựa chọn khi lập trình cũng như có khả năng mở rộng thiết bị khi cần thiết.

+ Chế tạo được phần cứng robot dưới nước với lớp vỏ được gia cường bằng sợi carbon. Các thiết bị hỗ trợ khác như tay điều khiển, hộp thu nhận-giám sát và đo thông số mở rộng với có khả năng kết nối và mở rộng khi cần phát triển như lưu dữ liệu trên thẻ nhớ hay kết nối như Internet như một thiết bị IoT.....

- Kinh phí thực hiện:  168,299 triệu đồng

10

Đề tài: Tính chất quang điện tử của vật liệu đơn lớp silicene và ứng dụng kết quả nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu Vật lý tại trường Đại học Phạm Văn Đồng.

- Năm thực hiện: 2023

- Lĩnh vựcKhoa học Kỹ thuật công nghệ

- Cơ quan chủ trì: trường Đại học Phạm Văn Đồng.

- Chủ nhiệm đề tài: TS. Đỗ Mười.

- Mục tiêu của nhiệm vụ:

+ Tính toán được cấu trúc vùng năng lượng của vật liệu đơn lớp silicene, ảnh hưởng của điện trường và từ trường lên tính chất điện tử của vật liệu silicene. Từ đó xác định được mật độ trạng thái điện tử trong cấu trúc silicene.

+ Thu được ảnh hưởng của trường ngoài lên điện dung của một thiết bị chế tạo từ vật liệu silicene.

+ Chỉ ra vị trí đỉnh hấp thụ và sự dịch chuyển của chúng do tương tác điện tử-phonon.

+ Thu được độ dẫn trong kênh dẫn của một transistor được chế tạo bằng vật liệu silicene dưới ảnh hưởng của trường ngoài và hiệu ứng tương tác spin-quỹ đạo.

+ Khảo sát hệ số hấp thụ quang-từ trong từ trường có xét đến ảnh hưởng của tán xạ tạp chất và phonon.

+ Sử dụng các kết quả nghiên cứu của đề tài trong giảng dạy Vật lý tại trường Đại học Phạm Văn Đồng, trong đó tập trung vào các lý thuyết và ứng dụng sẽ được sử dụng trong giảng dạy các học phần thuộc chương trình ngành đại học sư phạm Vật Lý.

+ Sử dụng các kết quả nghiên cứu của đề tài trong việc hướng dẫn sinh viên ngành Sư phạm Vật lý thực hiện đề tài khoá luận tốt nghiệp, đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên. Bên cạnh đó, sử dụng các kết quả nghiên cứu để làm tài liệu tham khảo thuộc lĩnh vực quang bán dẫn và khoa học vật liệu cho giảng viên tại trường khi thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.

   Kết quả thực hiện:

Các tính chất quang điện tử của vật liệu đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định khả năng ứng dụng chúng vào trong các thiết bị thực tế. Việc nghiên cứu một cách chuyên sâu các tính chất này của vật liệu không chỉ góp phần hoàn thiện bức tranh vật lý của họ vật liệu này mà còn góp phần mở ra các khả năng ứng dụng chúng trong các thiết bị quang - điện tử thế hệ mới. Với mục tiêu chính là nghiên cứu tính chất điện tử và tính chất quang của vật liệu đơn lớp silicene....Từ đó có được kết quả như sau:

+ Đã thu được cấu trúc vùng năng lượng của điện tử trong các vật liệu cấu trúc tổ ong có độ vênh thấp silicene.

+ Kết quả khảo sát điện dung lượng tử cho thấy dạng mẫu nhịp ở từ trường thấp và sự phân tách đỉnh của điện dung ở từ trường cao.

+ Kết quả khảo sát hệ số hấp thụ quang cho thấy sự hình thành các đỉnh hấp thụ, tuy nhiên sự hình thành đỉnh hấp thụ trong trường hợp tán xạ phonon là nhỏ hơn so với các cơ chế tán xạ tạp chất.  

+ Giới thiệu một số Hamiltonian cho các hệ đơn lớp hai chiều tiêu biểu và thực hiện tính toán chi tiết với các Hamiltonian đó để tìm biểu thức giải tích cho hàm sóng và năng lượng hạt tải.

+ Đưa ra một số đoạn chương trình tiêu biểu có thể dùng cho sinh viên vận dụng thực hành trên máy tính để khảo sát cấu trúc vùng năng lượng của các vật liệu bán dẫn nói chung và các vật liệu tổ ong nói riêng.

- Kinh phí thực hiện:  121,592 triệu đồng