6 dấu hiệu nhận biết máy tính bị nhiễm mã độc và cách phòng tránh
Mã độc (Malicious software) thường xâm nhập máy tính, thiết bị di động thông qua các phần mềm được tải về hay khi người dùng click vào trang web không an toàn. Khi tải về các phần mềm không rõ nguồn gốc hoặc truy cập vào các website không có chứng chỉ bảo mật, kém an toàn, người dùng sẽ có nguy cơ trở thành nạn nhân của các tin tặc. Tuy nhiên, hầu hết người dùng thường không nhận ra điều này.
Các chuyên gia an ninh mạng từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia khuyến cáo, người dùng nên kiểm tra thiết bị thường xuyên để phát hiện điều bất thường. Nếu gặp phải một số dấu hiệu sau, rất có thể máy tính đã nhiễm mã độc mà người dùng không hề hay biết.
1. Nhận được thông báo, tin nhắn lạ
Mã độc có thể xuất hiện dưới dạng tệp tin đính kèm, liên kết được gửi kèm email, tin nhắn trên các ứng dụng chat. Hầu hết các thông báo này đều mang nội dung giật giân, gây tò mò, khiến người dùng dễ click vào.
Nếu gặp phải tình trạng trên, bạn nên kiểm tra lại thông tin từ người gửi. Nếu phát hiện điểm đáng ngờ, người dùng tuyệt đối không nên mở tệp tin hoặc liên kết. Các chuyên gia khuyến cáo người dùng nên sử dụng các phần mềm quét virus uy tín và thường xuyên đổi mật khẩu cho các tài khoản cá nhân.
2. Máy tính chạy chậm, hoạt động không ổn định
Các mã độc vô tình lọt vào máy có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động hệ thống. Khi người dùng liên tục gặp lỗi khi mở file trong ổ đĩa, đây có thể là một dấu hiệu đáng ngờ, cảnh báo nguy cơ mã độc đã bị cài cắm vào máy tính.
3. Liên tục nhận được các cảnh báo giả
Khi truy cập các trang web, thường có những cửa sổ pop-up không mong muốn, chứa nội dung quảng cáo thường xuyên xuất hiện tại nhiều vị trí trên màn hình. Những cửa sổ này có thể đính kèm các phần mềm độc hại, nhằm phá hoại dữ liệu và đánh cắp thông tin cá nhân của bạn.
Tình trạng này cũng xảy ra khi máy tính bị nhiễm phần mềm độc hại. Bạn nên kiểm tra thường xuyên bằng công cụ quét virus và xóa các tập tin đáng ngờ trên thiết bị.
4. Ổ cứng nhanh hết dung lượng trống
Nếu nhận ra ổ cứng hết dung lượng bất ngờ trong khi bạn không cài bất cứ phần mềm nào, rất có thể máy tính đã bị mã độc xâm nhập và tự động cài những tệp độc hại.
5. Hoạt động mạng tăng cao bất thường
Nếu thống kê dữ liệu mạng sử dụng cao một cách bất thường mặc dù không sử dụng đến, rất có thể phần mềm đáng ngờ nào đó đang chạy ngầm trên thiết bị, khiến máy hao pin và có nguy cơ xâm hại dữ liệu
6. Những thay đổi trên trình duyệt
Một dấu hiệu bất thường khác khi nhiễm mã độc là trang chủ trên trình duyệt bị thay đổi bất thường, thanh công cụ mới xuất hiện dù không cài, những website tự động truy cập dù không gõ địa chỉ.
Để phòng tránh rủi ro từ mã độc, các chuyên gia lưu ý người dùng cần hạn chế truy cập các trang web không được bảo mật, không nhấp chuột vào bất cứ cửa sổ pop-up đáng ngờ nào, tuyệt đối không trả lời email, tin nhắn không đáng tin cậy. Bên cạnh đó, người dùng nên cẩn thận khi tải ứng dụng miễn phí, crack và luôn chú ý những cảnh báo từ trình duyệt.
Song song với đó, NCSC cũng đang thực hiện chiến dịch vì cộng đồng góp phần đẩy lùi tình trạng nhiễm mã độc, một trong số đó là “Chiến dịch Khiên Xanh” phối hợp cùng Cốc Cốc và Chongluadao.vn. Chương trình kêu gọi cộng đồng người dùng gửi báo cáo về các trang web độc hại tại safe.coccoc.com và canhbao.ncsc.gov.vn. Sau khi xác minh và phát hiện yếu tố nguy hiểm, hệ thống của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia sẽ gửi cảnh báo cho hàng triệu người dùng khác.
Theo viettimes.vn