Hội đồng khoa học và công nghệ tư vấn thẩm định công nghệ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy Amazing EcoTech Textile Quảng Ngãi.
Sáng ngày 15/02, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức họp Hội đồng khoa học và công nghệ tư vấn thẩm định công nghệ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy Amazing EcoTech Textile Quảng Ngãi. Địa điểm thực hiện dự án số 6, đường số 7, khu công nghiệp Việt Nam – Singapore, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Thành phần tham dự theo Quyết định số 13/QĐ-SKHCN ngày 06/02/2025 của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; đại diện Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi. Phó Giám đốc Sở Trần Công Hòa chủ tịch Hội đồng, chủ trì buổi làm việc.
Phó Giám đốc Sở KH&CN Trần Công Hòa chủ trì buổi làm việc.
Theo hồ sơ yêu cầu thẩm định công nghệ và thiết bị của dự án, hoạt động sản xuất của Nhà máy có 02 công nghệ sản xuất chính là công nghệ dệt vải và nhuộm vải. Về công nghệ dệt vải, Nhà máy đưa ra 02 phương án đề xuất gồm công nghệ dệt kiếm và dệt khí. Qua so sánh các ưu, nhược điểm của 02 công nghệ này, Nhà máy lựa chọn công nghệ dệt khí là phương pháp để đưa vào dây chuyền sản xuất.
Công nghệ nhuộm vải là bước quan trọng quyết định sắc màu và chất lượng cuối cùng của sản phẩm dệt may. Có 2 phương pháp nhuộm vải chính là nhuộm vải gián đoạn và nhuộm vải liên tục. Mỗi phương pháp nhuộm đều có ưu điểm riêng và được sử dụng tùy thuộc vào yêu cầu và mục đích nhuộm của sản phẩm vải. Nhuộm liên tục thích hợp cho các quy mô sản xuất lớn và nhuộm đơn sắc, trong khi nhuộm gián đoạn phù hợp cho việc tạo ra các mẫu, hiệu ứng đa dạng và sản xuất hàng loạt nhỏ. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, Nhà máy chọn cả hai phương pháp nhuộm nêu trên để đưa vào dây chuyền sản xuất.
Đại diện đơn vị tư vấn báo cáo thuyết minh dự án.
Về thiết bị đầu tư, Nhà máy đưa vào danh mục đầu tư với 49 loại thiết bị, máy móc mới 100% được sản xuất từ trung Quốc.
Công nghệ xử lý chất thải, gồm xử lý khí thải lò hơi và xử lý nước thải sản xuất. Nhà máy sẽ đầu tư 01 lò hơi công suất 20 tấn hơi/giờ chạy bằng nhiên liệu than đá hoặc biomass. Công nghệ xử lý khí thải lò hơi được đề xuất gồm: công nghệ lọc bụi túi vải; công nghệ lọc bụi Cyclone; phương pháp xử lý khí C0 – phương pháp hóa học; phương pháp xử lý khí bằng phương pháp ướt. Nhà máy lựa chọn công nghệ xử lý lò hơi, lò dầu bằng công nghệ Cyclone + hấp thu.
Công nghệ xử lý nước thải sản xuất gồm có nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất. Nước thải sinh hoạt phát sinh từ quá trình sinh hoạt (vệ sinh, rửa tay chân...) của công nhân, cán bộ làm việc tại nhà máy. Nước thải sinh hoạt chủ yếu chứa chất cặn bã, các chất lơ lửng (TSS), các hợp chất hữu cơ (BOD, COD), các chất dinh dưỡng (N, P), dầu mỡ và vi sinh.
Nước thải sản xuất của Nhà máy chứa thuốc nhuộm và một số loại hóa chất khác sử dụng trong quá trình sản xuất cao hơn tiêu chuẩn tiếp nhận nước thải của KCN VSIP Quảng Ngãi và QCVN 13-MT:2015/BTNMT (Cột B). Vì vậy nước thải sản xuất sẽ được xử lý tại hệ thống xử lý nước thải để đưa các thông số về đạt chuẩn của KCN VSIP Quảng Ngãi trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước thải chung của KCN để xử lý tiếp.
Các phương pháp xử lý nước thải gồm: phương pháp keo tụ; phương pháp oxy hóa; phương pháp xử lý sinh học. Nhà máy lựa chọn công nghệ xử lý hóa lý kết hợp với sinh học.
Thành viên Hội đồng trao đổi, thảo luận.
Qua thuyết minh quy trình công nghệ xử lý chất thải của Nhà máy, Hội đồng tư vấn đã trao đổi, thảo luận đánh giá tính khả thi của các phương pháp, công nghệ xử lý được đề xuất. Hội đồng thống nhất với đề xuất của chủ đầu tư. Đồng thời đề nghị chỉnh sửa, bổ sung, tính toán làm rõ, chính xác các số liệu, kiểm soát thông số lưu lượng chất thải, khí thải sau khi đã xử lý theo quy định của pháp luật…
Nguyễn Bình