Trang thông tin điện tử

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Năm 2025: "Chuyển đổi số toàn diện để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế"

Chiều 06-02, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp lần thứ 10 tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn, các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh tham dự tại điểm cầu Quảng Ngãi.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang chủ trì điểm cầu Quảng Ngãi

Báo cáo tại hội nghị cho biết, xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam cải thiện rõ rệt, vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, tăng 15 bậc so với 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) ở mức "Rất Cao".

Hạ tầng số được mở rộng, phát triển: Lần đầu tiên sau 15 năm, Việt Nam đấu giá thành công tần số, giúp bổ sung thêm 300 MHz cho 5G để nâng cao chất lượng di động băng rộng; đưa vào khai thác 01 tuyến cáp biển mới, tuyến thứ 6 và là tuyến có dung lượng lớn nhất của Việt nam (20Tbps) được đưa vào khai thác, giúp cải thiện tốc độ Internet và bảo đảm sự bền vững kết nối quốc tế của Việt Nam. Tỷ lệ hộ gia đình có Internet cáp quang đạt 82,4%, vượt mục tiêu đến năm 2025 là 80%.

Dữ liệu số và nền tảng số tiếp tục được xây dựng, phát triển: Xác lập thêm 04 cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG), nâng tổng số lên 10 CSDLQG. 05 CSDLQG đã hoàn thành, khai thác sử dụng; 03 CSDL đang triển khai; 02 CSDL đã có kế hoạch, bắt đầu triển khai. Các bộ, ngành, địa phương xác lập thêm 678 CSDL, tăng 30%, nâng tổng số CSDL lên 2.990. Giao dịch dữ liệu qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) tăng 57%, từ 647 triệu năm 2023 lên 1.013 triệu giao dịch trong 2024. Năm 2024 có thêm 21 bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục, kế hoạch cung cấp dữ liệu mở, nâng tổng số cơ quan, địa phương đã ban hành danh mục, kế hoạch cung cấp dữ liệu mở lên 75 cơ quan, địa phương.

Quang cảnh điểm cầu trung ương

Lần đầu tiên thực hiện giám sát và công bố trực tuyến việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công (DVC) trực tuyến. Việc giám sát và công bố trực tuyến bảo đảm kết quả triển khai thực chất, hiệu quả. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 45%, tăng 2,5 lần so với năm 2023, đây là nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương; Cổng DVC quốc gia tiếp tục phát huy hiệu quả với 4.475 thủ tục được tích hợp (70,8% tổng số TTHC). Từ tháng 7/2024 dùng VNeID để đăng nhập, sử dụng DVC trực tuyến (khoảng 425.000 lượt/ngày) tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Tỷ trọng kinh tế số năm 2024 ước đạt 18,3% GDP, tốc độ tăng trưởng vượt 20%/năm, cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP, nhanh nhất Đông Nam Á. Thương mại điện tử bán lẻ đạt doanh thu 25 tỷ USD, tăng khoảng 20%. Việt Nam thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt hàng năm tăng hơn 50%, dẫn đầu Đông Nam Á.

Tỷ lệ truy cập các nền tảng số Make in Viet Nam so với các nền tảng số nước ngoài vượt 20%, đạt 25,25%, tăng 5,62% so với năm 2023. Với kết quả này, Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia có số lượng người dùng nền tảng số nội địa ở mức cao. Chứng thư chữ ký số cấp cho người dân trưởng thành năm 2024 đạt 12,5 triệu, tăng 58,61% so với với năm 2023, nâng tỷ lệ người trưởng thành có chữ ký số lên 25%. Số lượng tài khoản VNeID đã kích hoạt trên 55,25 triệu, vượt mục tiêu 40 triệu tài khoản người dùng trong Đề án 06/CP; 90% người dân tham gia bảo hiểm có sổ sức khỏe điện tử; 100% học sinh/sinh viên có hồ sơ học tập số; 100% bệnh viện, trung tâm y tế công, cơ sở giáo dục đại học triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.

Về an toàn thông tin, Việt Nam tăng 8 bậc từ vị trí 25 lên vị trí 17/194 quốc gia, thuộc nhóm I- Hình mẫu; đứng thứ 4/38 nước khu vực châu Á, Thái Bình Dương.

Quang cảnh điểm cầu Quảng Ngãi

Về kết quả triển khai Đề án 06, 63/63 địa phương, 17/21 bộ, ngành hoàn thành việc kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. 100% bộ, ngành, địa phương triển khai giải pháp chuyển đổi sử dụng VneID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Tính đến ngày 10/12/2024, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương đạt 67,06%; bộ, ngành đạt 60,98%; 33 địa phương đã cơ bản hoàn thành số hóa dữ liệu đất đai.

Đến nay, Bộ Công an đã cấp trên 87,7 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp, thu nhận gần 81 triệu hồ sơ định danh điện tử và kích hoạt gần 60 triệu tài khoản cho người dân. Hoàn thành cung cấp 35 tiện ích trên VneID. Triển khai trên toàn quốc Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VneID.

Trong năm 2025, Bộ Chính trị đã xác định: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế- xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bức phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới”.

Chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2025 là "Chuyển đổi số toàn diện để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế". Các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục quyết liệt triển khai chuyển đổi số để tạo bước đột phá, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số đã đề ra trong Nghị quyết số 03 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Năm 2025, Đề án 06 cũng sẽ chuyển đổi trạng thái, làm tiền đề để xây dựng phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia phục vụ cuộc cách mạng chuyển đổi về bản chất của dữ liệu, khai phá, phát huy tiềm năng của dữ liệu, để dữ liệu thực sự trở thành tài nguyên, tư liệu sản xuất quan trọng.

 


Tác giả: PV
Nguồn:https://quangngai.gov.vn/ Sao chép liên kết