KỶ NIỆM 139 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886 - 01/5/2025)
Ngày Quốc tế Lao động 1/5 là dịp để tôn vinh những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân và người lao động trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đây cũng là cơ hội để nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lịch sử Ngày Quốc tế Lao động
Ngày Quốc tế Lao động bắt nguồn từ phong trào đấu tranh của công nhân Mỹ vào cuối thế kỷ XIX. Ngày 1/5/1886, tại Chicago, hàng trăm nghìn công nhân đã tổ chức bãi công đòi giảm giờ làm việc xuống 8 giờ mỗi ngày. Cuộc đấu tranh này đã gặp phải sự đàn áp khốc liệt, nhưng cũng từ đó, ngày 1/5 trở thành biểu tượng cho phong trào công nhân quốc tế, được công nhận là Ngày Quốc tế Lao động.
Quá trình hình thành và phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam
Giai cấp công nhân Việt Nam hình thành vào cuối thế kỷ XIX, gắn liền với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Những người nông dân mất đất, thợ thủ công bị phá sản đã trở thành công nhân trong các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền do Pháp quản lý. Dưới sự áp bức, bóc lột nặng nề, họ đã đoàn kết, tổ chức các phong trào đấu tranh đòi quyền lợi, dẫn đến sự ra đời của các tổ chức như Công hội Ba Son năm 1920 do người công nhân yêu nước Tôn Đức Thắng thành lập.
Tổ chức Công đoàn Việt Nam chính thức được thành lập vào ngày 28/7/1929 với tên gọi Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong phong trào công nhân Việt Nam. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Công đoàn Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và hiện nay là xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Vị trí, vai trò và chức năng của Công đoàn Việt Nam
Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và người lao động, được thành lập nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết lực lượng, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh về mọi mặt. Công đoàn đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động.
Trong giai đoạn hiện nay, Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, phát huy vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Kỷ niệm 139 năm Ngày Quốc tế Lao động là dịp để chúng ta tri ân những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân và người lao động, đồng thời tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh.