Quảng Ngãi thực hiện Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 4/4/2025 thực hiện Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Theo đó, kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 về phát triển hạ tầng dữ liệu; Xây dựng, nâng cấp các nền tảng, hệ thống dữ liệu; Phát triển, khai thác sử dụng dữ liệu cho chính quyền số; Dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Giao diện Cổng dữ liệu mở tỉnh Quảng Ngãi.
Để thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đề ra 5 giải pháp thực hiện, trong đó yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về dữ liệu; nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của dữ liệu là nền tảng, là “mạch máu” xuyên suốt quá trình chuyển đổi số, từ đó tạo nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Dữ liệu càng được chia sẻ, càng khai thác dùng chung thì càng tạo ra giá trị.
Phát triển tầm nhìn dài hạn về dữ liệu trong cơ quan, đơn vị, địa phương. Hoạt động về quản lý dữ liệu phải được lập kế hoạch, xây dựng, lưu trữ, đánh giá chất lượng, kiểm kê, sử dụng, chia sẻ. Đưa dữ liệu trở thành phần quan trọng, cốt lõi không thể tách rời trong mọi hoạt động chỉ đạo, điều hành và ra quyết định của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thay đổi tư duy từ phát triển các hệ thống thông tin, phần mềm riêng lẻ sang đầu tư các nền tảng số hoặc thuê mua các dịch vụ do các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng đã triển khai đầy đủ giải pháp bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và mô hình “4 lớp”.
Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực về dữ liệu. Triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch về tuyên truyền, nâng cao nhận thức phổ biến kiến thức về dữ liệu số và tổ chức các khóa học trực tuyến đại chúng mở để bồi dưỡng kỹ năng đại trà cho người dân kiến thức cơ bản về sử dụng và quản lý dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu; bồi dưỡng kiến thức làm việc với dữ liệu và khai thác dữ liệu, giúp người dân tham gia và có kỹ năng, đảm bảo phát triển dữ liệu có chất lượng. Tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng quản trị dữ liệu cho lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Nghiên cứu, nâng cao năng lực làm chủ khoa học công nghệ về dữ liệu: Nghiên cứu làm chủ các công nghệ về phân tích dữ liệu lớn, phát triển các mô hình trí tuệ nhân tạo, các thư viện, thuật toán học máy, học sâu. Ưu tiên các đề tài nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo; ưu tiên phân bổ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho công nghệ số và dữ liệu số; khuyến khích hợp tác, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo.
Hợp tác nhà nước doanh nghiệp. Tạo môi trường phát triển thị trường dữ liệu lành mạnh, an toàn và đúng pháp luật, qua đó thúc đẩy các dịch vụ dữ liệu, tạo ra thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân. Phát triển không gian dữ liệu cộng đồng trên cơ sở phối hợp và đóng góp dữ liệu từ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tiến tới hình thành kho dữ liệu, các bộ dữ liệu mở, dữ liệu lớn dùng chung, dữ liệu mẫu để phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Đo lường, giám sát triển khai. Bổ sung một số chỉ tiêu cơ bản về phát triển dữ liệu của các sở, ban ngành, địa phương vào Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh. Hằng năm tổ chức kiểm kê dữ liệu, kiểm tra, đánh giá chất lượng dữ liệu, đánh giá hiệu quả sử dụng, khai thác dữ liệu tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.