Xây dựng Việt Nam thịnh vượng từ nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Phát biểu tại chương trình “Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức ngày 16/5/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: KHCN,ĐMST&CĐS không chỉ là động lực tăng trưởng kinh tế, mà còn là nền tảng để xây dựng một Việt Nam thịnh vượng, là công cụ chiến lược để nâng cao năng suất lao động, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Động lực và sứ mệnh quốc gia
Ngày hội năm nay với chủ đề: "KHCN,ĐMST&CĐS: Đột phá đưa đất nước bước vào kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng" được diễn ra trong bối cảnh ngành KH&CN tập trung thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, coi phát triển KHCN,ĐMST&CĐS là yếu tố then chốt để đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng: KHCN,ĐMST&CĐS không chỉ là động lực, mà còn là sứ mệnh quốc gia. Bộ KH&CN sẽ đột phá cải cách từ thể chế đến cơ chế tài chính, từ tư duy quản lý đến cách đánh giá kết quả đầu ra, nhằm thúc đẩy tri thức trở thành động lực tăng trưởng thực sự.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Đất nước đã hội tụ đủ các điều kiện để các nhà khoa học mơ giấc mơ lớn, cùng nhau giải những bài toán của quốc gia. Khoa học không chỉ là những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, trên trang sách, mà phải được ứng dụng vào cuộc sống, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân".
Bộ trưởng ví Bộ KH&CN hiện nay như "năm ngón tay trên một bàn tay" gồm: Khoa học công nghệ, Sở hữu trí tuệ, Đổi mới sáng tạo, Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Chuyển đổi số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Khoa học công nghệ là máy sản xuất tri thức; sở hữu trí tuệ biến tri thức thành tài sản giao dịch được; đổi mới sáng tạo biến tri thức thành sản phẩm, của cải xã hội; tiêu chuẩn đo lường chất lượng đảm bảo hình hài, chất lượng sản phẩm; chuyển đổi số là môi trường, công cụ mới cho sự phát triển. Năm ngón tay này tạo nên chỉnh thể toàn diện để khoa học công nghệ phát triển bền vững".
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại chương trình.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Bộ trưởng bày tỏ sự tự hào và tri ân sâu sắc công lao, trí tuệ và sự cống hiến thầm lặng của các thế hệ đi trước, những người đã đặt nền móng vững chắc cho những thành tựu hôm nay, góp phần làm nên diện mạo Việt Nam tươi sáng và mạnh mẽ hơn.
Ngày hội đã cho thấy cam kết hành động của Bộ KH&CN trong thời gian tới được cụ thể hóa qua các trụ cột chiến lược: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách thúc đẩy nghiên cứu - đổi mới - ứng dụng công nghệ; khơi thông nguồn vốn, đa dạng hóa hình thức tài trợ, đơn giản hóa quy trình hỗ trợ nghiên cứu; tái định vị vai trò doanh nghiệp - từ đối tượng thụ hưởng thành chủ thể dẫn dắt sáng tạo và thương mại hóa công nghệ; ưu tiên phát triển các công nghệ trọng điểm như AI, vi mạch, sinh học, năng lượng mới, công nghệ số - làm nền tảng bứt phá; thúc đẩy liên kết viện - trường - doanh nghiệp - Nhà nước để hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho biết, KH&CN được xác định là chìa khóa quan trọng hàng đầu và là động lực chính để cơ cấu lại nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Trong bối cảnh thế giới đã bước sang giai đoạn chuyển đổi sâu sắc với AI, IoT, với chuyển đổi xanh, Việt Nam có nhiều thách thức và cơ hội bứt phá. Chính phủ xác định, KHCN,ĐMST&CĐS là con đường ngắn nhất, là yếu tố sống còn để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, tự chủ, tự lực, thực hiện thành công mục tiêu 100 năm của đất nước.
Trong đó, KHCN,ĐMST&CĐS là động lực cho tăng trưởng kinh tế, là nền tảng cho Việt Nam thịnh vượng, là công cụ chiến lược để nâng cao năng suất lao động, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng phát biểu chỉ đạo giúp định hướng và truyền cảm hứng cho hành trình phát triển KH&CN của đất nước.
Phát huy tinh thần đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã nêu 8 giải pháp đề nghị các bộ, ngành và cộng đồng các chuyên gia, nhà khoa học triển khai đồng bộ.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý, thông thoáng, minh bạch, cởi trói cho KHCN,ĐMST&CĐS. Đặc biệt, cần sớm cụ thể hóa Nghị quyết 57 và các dự án luật, chính sách mà Quốc hội đang xem xét thông qua để đưa thể chế thực sự trở thành cầu nối lan tỏa cho chuyển đổi số trong kinh tế - xã hội.
Thứ hai, tiếp tục phát triển hệ sinh thái ĐMST quốc gia theo hướng toàn diện, đặc biệt cần sự quan tâm mô hình hợp tác công tư, có định hướng hỗ trợ về chính sách để người dân, doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ sinh thái.
Thứ ba, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu cơ bản để tiến tới làm chủ các công nghệ chiến lược, công nghệ lõi. Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, đầu tư mồi để thúc đẩy phát triển phù hợp với xu hướng của thế giới như AI, bán dẫn, công nghệ sinh học, năng lượng mới.
Thứ tư, tiếp tục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho KH&CN, cần có cơ chế đãi ngộ xứng đáng, tạo lập môi trường thuận lợi, trao mô hình tự chủ cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, tri thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp.
Thứ năm, thúc đẩy ứng dụng KH&CN trong quản lý chuyển đổi số kinh tế, coi đầu tư cho KHCN,ĐMST&CĐS là yếu tố sống còn, là công cụ then chốt nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới của đất nước.
Thứ sáu, đẩy mạnh ngoại giao khoa học, chủ động hội nhập sâu rộng về KHCN,ĐMST&CĐS, tranh thủ tri thức, công nghệ tiên tiến trên thế giới, tham gia tích cực vào các mạng lưới tri thức toàn cầu. Ngoại giao khoa học phải là biểu hiện của một quốc gia biết lắng nghe bằng lý trí, đối thoại bằng tri thức, đưa khoa học Việt Nam vươn ra thế giới, là cầu nối mang giá trị tinh hoa đến Việt Nam.
Thứ bảy, tăng cường vai trò của tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng để đáp ứng yêu cầu hội nhập và bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao vị thế hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Cuối cùng, khơi dậy niềm đam mê KHCN,ĐMST&CĐS trong xã hội, tôn vinh nhà khoa học, sáng kiến thành công để truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, đưa Ngày KH&CN Việt Nam thực sự là một ngày hội của toàn dân, nơi mà mỗi người dân, doanh nghiệp đều có thể đóng góp thành quả của mình vào sự nghiệp phát triển của đất nước.
Tôn vinh các nhà khoa học
Trong khuôn khổ chương trình, Bộ KH&CN đã vinh danh nhiều sản phẩm và công trình khoa học công nghệ tiêu biểu năm 2024, ghi nhận các đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Hoạt động này không chỉ là sự tôn vinh xuất sắc cho các nhà khoa học, doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học mà còn lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, khơi dậy động lực đóng góp trong cộng đồng khoa học Việt Nam.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cùng các nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp, viện nghiên cứu được vinh danh.
Cũng tại sự kiện, Bộ KH&CN chính thức công bố Chương trình hành động và sứ mệnh mới của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (NAFOSTED) - một thiết chế tài trợ khoa học được tái cấu trúc nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
Đây là lần đầu tiên một lễ công bố cam kết khoa học quy mô quốc gia được tổ chức đồng thời giữa các nhà khoa học, nhà sáng chế và doanh nghiệp cho thấy tính thực chất và định hướng ứng dụng mạnh mẽ của ngành KH&CN trong giai đoạn phát triển mới.
Ngày hội KH&CN Việt Nam 18/5 năm 2025 mang thông điệp mạnh mẽ: KHCN,ĐMST&CĐS không chỉ là chìa khóa phát triển, mà chính là sứ mệnh kiến tạo tương lai Việt Nam. Với tinh thần tiên phong, một lần nữa, Bộ KH&CN cam kết tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng khoa học, doanh nghiệp và người dân, kiến tạo một hệ sinh thái đổi mới toàn diện - nơi mỗi ý tưởng sáng tạo đều có cơ hội trở thành hiện thực, mỗi sản phẩm khoa học đều góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.