Truy cập nội dung luôn

Hiệu quả từ mô hình cải tạo đàn trâu địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với giống trâu Murrah

19/07/2021 09:53    812

Việc áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT) bằng giống trâu Murrah đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao tầm vóc, năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi trâu ở địa phương.

Trước thực trạng đàn trâu của tỉnh hiện nay có xu hướng bị suy giảm về chất lượng, khả năng tăng trọng chậm, sức chống chịu bệnh tật kém, khối lượng trâu trưởng thành có xu hướng giảm dần; tỷ lệ nuôi sống của nghé sơ sinh thấp, chỉ đạt 60 - 70%, hiệu quả kinh tế thấp; tình trạng giao phối cận huyết, đồng huyết khá phổ biến do việc nhân giống tự nhiên xảy ra trong cùng một vùng. Do đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã triển khai thực hiện mô hình cải tạo đàn trâu địa phương bằng phương pháp TTNT với giống trâu Murrah nhằm lai tạo giống trâu để nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho nông hộ, góp phần phát triển chăn nuôi trâu thịt trên địa bàn tỉnh. 

Trâu nghé được sinh ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo với trâu Murrah.

Trâu nghé được sinh ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo với trâu Murrah.

Qua 2 năm triển khai thực hiện ở 10 xã của 02 huyện Tư Nghĩa và Nghĩa Hành, với 243 hộ tham gia, mô hình đã tổ chức phối giống cho 388 lượt trâu cái địa phương bằng phương pháp TTNT với 600 liều và đã có 268 trâu cái có chửa. Đến nay, số trâu chưa đẻ là 67 con; số nghé sinh ra là 195 con, tỷ lệ nghé nuôi sống đến cai sữa là 95,9%. Khối lượng sơ sinh trung bình nghé đực trên 39,5 kg/con và nghé cái là 35,4 kg/con, cá biệt có nghé lai sơ sinh đạt khối lượng lên đến 54kg như hộ Phạm Đình Tịnh ở thôn Mỹ Thạnh Nam, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa. Ông Tịnh cho biết: Trước đây, gia đình ông nuôi trâu sinh sản theo kinh nghiệm truyền thống, trâu tới kỳ động dục thì tự phối giống khi chăn thả ngoài đồng, năm 2019 ông đăng ký tham gia mô hình và được hỗ trợ phối giống nhân tạo với giống trâu Murrah. Sau 10 tháng 25 ngày, con trâu cái đầu sinh ra nghé đực được 53,8kg và sau 3 tháng,  nghé phát triển nhanh, đạt trọng lượng khoảng 120kg. Trâu cái thứ 2 sinh nghé đực nặng tới 54kg. Vừa mới đây, tháng 4/2021, con nghé lai thứ 3 của gia đình được sinh ra với 46kg, hiện đang phát triển rất tốt, tăng trọng nhanh, không thua kém các ghé sinh trước. Gia đình ông rất phấn khởi và tin tưởng vào hiệu quả của việc phối giống trâu Murrah bằng phương pháp TTNT.

Bước đầu dự án đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, khối lượng sơ sinh trung bình nghé lai Murrah (35,4-39,5 kg) cao hơn nghé địa phương (22-24 kg) tăng 150%; tỷ lệ sống cao, ít bệnh tật, đến nay các hộ chăn nuôi đều phấn khởi, mong muốn dự án tiếp tục được nhân rộng, phát triển.

Qua so sánh về hiệu quả kinh tế, nghé lai Murrah 24 tháng tuổi có khối lượng khoảng 350 - 400kg/con, trong khi đó ghé địa phương cùng tuổi chỉ khoảng 250 - 300kg/con. Như vậy, khối lượng nghé lai F1 24 tháng tuổi hơn khối lượng nghé địa phương cùng độ tuổi khoảng 100kg. Hiện nay, giá mua trâu nghé khoảng 90-100 nghìn đồng/kg hơi, chênh lệch giữa nghé lai Murrah và nghé địa phương khoảng 9-10 triệu đồng/con.

Khối lượng ghé lai sơ sinh có con lên đến 54kg.

Khối lượng ghé lai sơ sinh có con lên đến 54kg.

Từ kết quả bước đầu của mô hình cải tạo đàn trâu địa phương bằng phương pháp TTNT với giống trâu Murrah nhận thấy, việc áp dụng phương pháp TTNT cho trâu cái, kỹ thuật công nghệ không khó, các kỹ thuật viên được đào tạo làm chủ công nghệ một cách dễ dàng. Các quy trình kỹ thuật về chăn nuôi trâu không phức tạp, người dân có khả năng áp dụng hiệu quả các kỹ thuật này. Trâu lai Murrah có khối lượng vượt trội so với trâu nội và thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên ở địa phương. Giải pháp TTNT bằng tinh đông lạnh giống trâu Murrah là hướng đi đúng và phù hợp với điều kiện, khả năng hiện nay của tỉnh, mở ra hướng đi mới trong chiến lược cải thiện, nâng cao tầm vóc đàn trâu của tỉnh; góp phần chuyển dần chăn nuôi trâu từ phương thức quảng canh như hiện nay sang chăn nuôi bán thâm canh với mục đích sản xuất hàng hoá. Vì vậy, để cải tạo và phát triển đàn trâu, nâng cao thu nhập cho người dân, sau khi mô hình kết thúc cần được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, ông Đỗ Văn Chung, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết. 

Cải tạo đàn trâu bằng biện pháp TTNT sẽ khắc phục tình trạng thiếu trâu đực giống và suy thoái đàn trâu đang diễn ra do cận huyết. Qua đó, góp phần quan trọng trong cải tạo tầm vóc thể trạng của đàn trâu, nâng cao năng suất, mở ra hướng đi mới trong chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn tỉnh.

Theo Bản tin KH&CN số 03-2021

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1891

Tổng số lượt xem: 4253749