Truy cập nội dung luôn

Ngày Tiêu chuẩn Thế giới - World Standards Day (14/10/2022): Tiêu chuẩn phục vụ các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) - Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn

11/10/2022 18:10    184

Nhằm tri ân những đóng góp và hợp tác của hàng ngàn chuyên gia, tổ chức trên toàn thế giới đã phát triển các thỏa thuận tự nguyện được công bố dưới dạng Tiêu chuẩn Quốc tế, ngày 14 tháng 10 hằng năm đã được ba tổ chức tiêu chuẩn hàng đầu thế giới là Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC), Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) chọn làm Ngày Tiêu chuẩn Thế giới.

Từ năm 2021, Ba tổ chức này đã bắt đầu thống nhất một thông điệp kéo dài nhiều năm với chủ đề tiêu chuẩn hỗ trợ đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) với khẩu hiệu “Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn”.

Thông điệp Ngày Tiêu chuẩn Thế giới 14/10/2022.Thông điệp Ngày Tiêu chuẩn Thế giới 14/10/2022.

Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG - Sustainable Development Goals), nhằm giải quyết sự mất cân bằng xã hội, phát triển nền kinh tế bền vững và làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu. Cụ thể, 17 Mục tiêu Phát triển bền vững gồm: Xóa nghèo dưới mọi hình thức ở mọi nơi; Xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng, phát triển nông nghiệp bền vững; Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi; Đảm bảo giáo dục chất lượng, rộng mở và công bằng và nâng cao cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái; Đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nguồn nước và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người; Đảm bảo việc tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người; Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, rộng mở và bền vững, việc làm đầy đủ và năng suất và công việc tốt cho tất cả mọi người; Xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, đẩy mạnh công nghiệp hóa rộng mở và bền vững, khuyến khích đổi mới; Giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia; Xây dựng các đô thị và các khu dân cư mở cửa cho tất cả mọi người, an toàn, vững chắc và bền vững; Đảm bảo các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững; Có biện pháp khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của nó; Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho phát triển bền vững; Bảo vệ, tái tạo và khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn, quản lý tài nguyên rừng bền vững, chống sa mạc hóa, chống xói mòn đất và mất đa dạng sinh học; Thúc đẩy xã hội hòa bình và rộng mở cho phát triển bền vững, mang công bằng đến với tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và rộng mở ở tất cả các cấp; và đẩy mạnh cách thức thực hiện và đem lại sức sống mới cho quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững.

Để đạt được các Mục tiêu này sẽ đòi hỏi sự hợp tác của nhiều đối tác nhà nước và tư nhân, đồng thời cần sử dụng tất cả các công cụ sẵn có, bao gồm cả các tiêu chuẩn quốc tế và đánh giá sự phù hợp. Cuộc chiến căng thẳng chống lại đại dịch toàn cầu dai dẳng cho thấy sự cần thiết phải giải quyết các Mục tiêu Phát triển bền vững một cách bao trùm, nhằm củng cố các cộng đồng xã hội, làm cho chúng trở nên kiên cường hơn và công bằng hơn. Trong quá trình theo đuổi mục tiêu này, tiêu chuẩn càng trở nên thích hợp và cần thiết hơn bao giờ hết.

Các mục tiêu phát triển bền vững

Các mục tiêu phát triển bền vững

Có thể thấy, tiêu chuẩn là “xương sống” của xã hội khi chúng bảo đảm sự an toàn và chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế và cải thiện môi trường mà chúng ta đang sống. Bởi vì, tiêu chuẩn mang lại lợi ích cho cả Doanh nghiệp, Người tiêu dùng và Chính phủ. Hiện nay, theo thống kê của ISO có 31400 tiêu chuẩn đóng góp vào 17 mục tiêu phát triển bền vững.

Đối với Doanh nghiệp, tiêu chuẩn là công cụ chiến lược và định hướng để giúp các công ty giải quyết một số thách thức đòi hỏi khắt khe nhất của hoạt động kinh doanh hiện đại. Chúng đảm bảo cho các hoạt động kinh doanh càng ngày càng hiệu quả, làm tăng năng suất và giúp công ty tiếp cận các thị trường mới, thông qua việc đảm bảo sự phù hợp của sản phẩm và dịch vụ. Hơn nữa, tiêu chuẩn giúp cho doanh nghiệp cắt giảm chi phí thông qua việc cải thiện hệ thống và các quá trình; tăng khả năng cạnh tranh,và tăng sự hài lòng của khách hàng thông qua cải thiện an toàn, chất lượng và quá trình; giảm thiểu tác động của doanh nghiệp vào môi trường.

Đối với Người tiêu dùng, tiêu chuẩn giúp nâng cao chất lượng sống của người tiêu dùng. Khi các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn, người tiêu dùng có thể tin tưởng rằng chúng là an toàn, đáng tin cậy và có chất lượng phù hợp. Ví dụ, tiêu chuẩn về an toàn đồ chơi trẻ em, tiêu chuẩn về mũ bảo hiểm… là sự lựa chọn an toàn cho người tiêu dùng; tiêu chuẩn về chất lượng không khí, nước và đất, về phát thải khí và bức xạ, và các khía cạnh môi trường của sản phẩm góp phần vào nỗ lực bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân; tiêu chuẩn về an toàn và chất lượng thực phẩm giúp bảo vệ người tiêu dùng. Chúng đề cập đến các vấn đề có liên quan đến người tiêu dùng như giá trị dinh dưỡng, ghi nhãn và công bố, hương vị, vệ sinh, thực phẩm biến đổi gien, giới hạn các chất phụ gia, thuốc trừ sâu, chất gây ô nhiễm…

Đối với Chính phủ, Tiêu chuẩn cung cấp các kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm và đây là một nguồn lực quan trọng đối với chính phủ khi phát triển chính sách công. Chính phủ có thể sử dụng tiêu chuẩn để hỗ trợ chính sách công đem lại nhiều lợi ích như: Tập hợp các ý kiến chuyên gia: bằng việc sử dụng và viện dẫn tiêu chuẩn trong các văn bản Quy phạm pháp luật, Chính phủ sẽ nhận được lợi ích từ ý kiến của các chuyên gia mà không cần làm việc trực tiếp với họ. Bên cạnh đó, Tiêu chuẩn là tiền đề cho việc mở cửa thương mại thế giới - tiêu chuẩn quốc tế ISO được chấp nhận bởi nhiều chính phủ, do đó sử dụng hoặc viện dẫn chúng trong các quy chuẩn quốc gia sẽ tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, dịch vụ và công nghệ từ nước này sang nước khác. Khi đó, có thể loại bỏ các rào cản trong thương mại với thế giới bằng cách cung cấp các tiêu chuẩn làm cơ sở kỹ thuật trong các điều khoản của các hiệp định thương mại ở các cấp khu vực và quốc tế.

Việt Nam đã và đang tham gia tích cực vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc tế để sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam có thể vươn ra thị trường thế giới mạnh mẽ hơn. Đồng thời, thường xuyên tăng cường hợp tác quốc tế bao gồm cả song phương và đa phương để đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa các tiêu chuẩn phục vụ các Mục tiêu Phát triển bền vững và “Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn”.

Kim Chi

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1173

Tổng số lượt xem: 4242507