Trang thông tin điện tử

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia

Trong khuôn khổ sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) địa phương năm 2024. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) đã có bài tham luận, chia sẻ với chủ đề "Mô hình liên kết nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ: Kinh nghiệm thực tiễn và giải pháp”.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, hệ thống ĐMST quốc gia đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và năng lực cạnh tranh của một quốc gia. ĐMST không chỉ là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn là nền tảng để giải quyết những thách thức của xã hội và môi trường. Trọng tâm của hệ thống này là các doanh nghiệp, những chủ thể không chỉ đóng vai trò là nơi sản xuất và ứng dụng các ý tưởng mới, mà còn là cầu nối giữa nghiên cứu khoa học và thị trường. 

PGS.TS. Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện VKIST chia sẻ tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, PGS.TS. Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện VKIST cho biết, phát triển KH&CN phải gắn chặt với ĐMST. Theo đó, cần phát triển hệ thống sáng tạo quốc gia, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, lấy doanh nghiệp làm trung tâm ứng dụng công nghệ và phát triển sản phẩm, các trường đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu và phát triển; tạo cơ chế liên kết chặt chẽ, hữu cơ giữa các cơ sở nghiên cứu với các doanh nghiệp trên cơ sở chia sẻ về trách nhiệm và lợi ích tương hỗ. Các nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực khoa học cơ bản và ứng dụng thường dẫn đến những đột phá công nghệ, tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong đó, nhóm doanh nghiệp quy mô lớn đi đầu, dẫn dắt doanh nghiệp vệ tinh, nâng cao năng suất, chất lượng, mở rộng quy mô hoặc phát triển sản phẩm mới dựa trên công nghệ, nâng cao thị phần, tính cạnh tranh. Với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nâng cao năng lực hấp thụ, ứng dụng và đổi mới công nghệ. Nhóm doanh nghiệp KH&CN đóng vai trò thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, sáng chế… Cuối cùng, nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST có tiềm năng tăng trưởng nhanh dựa trên việc khai thác tài sản trí tuệ, ý tưởng, mô hình kinh doanh mới.

PGS.TS. Vũ Đức Lợi nhấn mạnh, nhu cầu ứng dụng công nghệ, ĐMST ngày càng cấp bách, doanh nghiệp nên xác định xu hướng thị trường, sản phẩm, dịch vụ mới, mục tiêu nâng cao năng suất…; đồng thời, thực hiện ứng dụng chuyển giao công nghệ và ĐMST thông qua việc nâng cấp dây chuyền, thiết bị; áp dụng hệ thống, tiêu chuẩn quản lý mới. Để thực hiện các hoạt động này, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển, tư vấn giải pháp nâng cao, cung cấp thông tin, kết nối chuỗi cung ứng, hỗ trợ tài chính qua các ưu đãi cho nghiên cứu và phát triển (R&D)...

Thông qua việc đầu tư vào R&D, hợp tác với các viện nghiên cứu và trường đại học, doanh nghiệp không chỉ tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, mà còn thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ và kiến thức. 

VKIST là cầu nối để chuyển giao công nghệ Việt Nam và Hàn Quốc. Dự án được đầu hơn 70 triệu đô từ hai quốc gia nhằm thực hiện các nghiên cứu dựa trên nhu cầu thực tế, chia sẻ lợi nhuận và đảm bảo tính cạnh tranh.

Trên thực tiễn, các vấn đề nghiên cứu hiện nay của Việt Nam đang tương đối cách xa với nhu cầu thị trường. Do đó, VKIST hướng tới mục tiêu cần kéo ngắn khoảng cách này và đề xuất hướng mới, nghiên cứu mở về kỹ thuật và công nghệ.

VKIST có 8 lĩnh vực nghiên cứu chính gồm: công nghệ sinh học, cơ điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ tích hợp, công nghệ năng lượng và môi trường, vật liệu tiên tiến, công nghệ thực phẩm và kỹ thuật y sinh. Trong đó, với Công nghệ Tích hợp phát triển hệ thống giám sát kết cấu xây dựng dựa trên cảm biến quang học. Công trình này đặt nền móng cho các nghiên cứu tương lai trong lĩnh vực, nhấn mạnh tầm quan trọng của các phương pháp liên ngành trong việc giải quyết các thách thức kỹ thuật phức tạp. Phát triển que thử sắc kí miễn dịch dòng chảy bên ứng dụng theo dõi tái phát và điều trị hiệu quả ung thư. Lĩnh vực Công nghệ sinh học, VKIST hướng tới đưa dược liệu Việt Nam vươn tầm thế giới. VKIST đã có đơn xin cấp bằng sáng chế tại Hàn Quốc cho nhiều giải pháp của mình. Trong lĩnh vực Cơ điện tử, VKIST cũng phát triển các động cơ có hiệu suất cao hay các giải pháp thông minh trong dịch vụ y tế, hỗ trợ chẩn đoán, y tế ảo... trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Về Công nghệ môi trường năng lượng, VKIST tập trung vào các nguyên tố đất hiếm và lithium hay tái chế nông sản thành các sản phẩm chất lượng cao. 

Với tiêu chí kéo gần khoảng cách giữa nghiên cứu khoa học và thực tế, VKIST cũng có giải pháp toàn diện để xử lý hiện trạng nước ngập mặn, nhiễm phèn, đã ứng dụng ở Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, Quảng Ngãi và Trường Dân tộc nội trú ở Sóc Trăng

Theo PGS.TS. Vũ Đức Lợi, Việt Nam cần có sự tham gia phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị nghiên và doanh nghiệp để triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, đáp ứng nhu cầu ngày càng cấp thiết của doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế. Do đó cần chú trọng hơn vào hoạt động đánh giá trình độ năng lực công nghệ, xác định nhu cầu công nghệ và hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp, đồng thời, xây dựng, triển khai chương trình hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ.

PGS.TS. Vũ Đức Lợi đề xuất tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động ĐMST, trong đó, chú trọng xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài. 

 

Nguồn: https://www.most.gov.vn/ 

Thúy Hồng