Truy cập nội dung luôn

Danh sách đề tài, dự án khoa học và công nghệ đã nghiệm thu trong năm 2019

24/01/2020 23:11    461

.

STT

TÊN ĐỀ TÀI, DỰ ÁN

1

Thử nghiệm công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá ngựa đen (Hippocampus kuda, Bleeker 1852) tại Quảng Ngãi.

- Năm thực hiện: 2016-2018

- Cơ quan chủ trì: Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi

- Chủ nhiệm đề tài: Th.S. Nguyễn Hữu Thái.

- Mục tiêu của nhiệm vụ: 

- Thử nghiệm sản xuất giống và xây dựng hướng dẫn kỹ thuật sản xuất giống cá ngựa đen tại Quảng Ngãi.

- Nuôi thương phẩm cá ngựa đen và xây dựng hướng dẫn kỹ thuật nuôi thương phẩm cá ngựa đen trong bể xi măng và trong lồng tại Quảng Ngãi.

- Sản xuất 10.000 con cá giống đạt kích cỡ 4-6 cm/con và nuôi thương phẩm 6.000 con cá ngựa đen đạt kích cỡ 10-12 cm/con.

- Kết quả thực hiện: 

Thử nghiệm sản xuất giống cá ngựa đen: Qua 5 tháng sản xuất của hai đợt thử nghiệm sản xuất giống cá ngựa đen kết quả đã sản xuất được 11.196 con cá ngựa đen giống; kích cỡ trung bình 4,2-7,3 cm/con đạt yêu cầu mà thuyết minh đề tài đã đề ra cụ thể như sau:

- Đợt 1 sản xuất ra 5.052; tỷ lệ sống 58,2%; kích cỡ chiều dài trung bình 4,2-6,6 cm/con; khối lượng trung bình 575 – 673 mg/con:

- Đợt 2 sản xuất ra 6.144; kích cỡ chiều dài trung bình 5,7-7,3 cm/con; khối lượng trung bình 590 – 715 mg/con

Thử nghiệm nuôi cá ngựa đen thương phẩm trong lồng, sau 6 tháng nuôi cá sinh trưởng  phát triển tốt, ở điểm nuôi huyện Lý Sơn tỷ lệ sống đạt trên 55%, chiều dài bình quân 12,0 cm/con; ở điểm nuôi huyện Đức Phổ tỷ lệ sống đạt trên 60%, chiều dài bình quân 12,3 cm/con đạt được những tiêu chí mà thuyết minh đề tài đã đề ra.

Thử nghiệm nuôi cá ngựa đen thương phẩm trong bể xi măng, sau hơn 6 tháng nuôi cá sinh trưởng  phát triển bình thường, tỷ lệ sống đạt trên 70%, chiều dài bình quân 12,2 cm/con đạt được yêu cầu mà thuyết minh đã đề ra.

Hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật sản xuất giống cá ngựa đen tại Quảng Ngãi.

Hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá ngựa đen thương phẩm trong bể xi măng.

Hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá ngựa đen thương phẩm trong lồng.

Qua sơ lược đánh giá hiệu quả kinh tế thì việc sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá ngựa bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi, tuy chưa cao nhưng đã góp phần tạo ra đối tượng mới, nghề nuôi mới, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, tạo công ăn việc làm cho người dân.

- Kinh phí thực hiện: 1.187 triệu đồng

- Lĩnh vực: Khoa học Nông nghiệp

2

Nghiên cứu hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên ở tỉnh Quảng Ngãi.

- Năm thực hiện: 2016-2018

- Cơ quan chủ trì:  Công an tỉnh Quảng Ngãi.

- Chủ nhiệm đề tài: TS. Trương Binh.

- Mục tiêu của nhiệm vụ:

Tổng quan tình hình nghiên cứu và lý luận về hành vi phạm tội, VPPL trong thanh, thiếu niên; đánh giá thực trạng tình hình và hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn thanh, thiếu niên phạm tội, VPPL ở tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2017, mở rộng đến tháng 10/2018.

Dự báo xu hướng các yếu tố tác động ảnh hưởng đến hành vi phạm tội, VPPL trong thanh, thiếu niên thời gian đến và đề xuất các giải pháp phòng ngừa hiệu quả hành vi phạm tội, VPPL trong thanh, thiếu niên; bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật để phòng ngừa tội phạm nói chung và hành vi phạm tội, VPPL trong thanh, thiếu niên nói riêng.

- Kết quả thực hiện:

Đã điều tra xã hội học 1.500 phiếu với 07 nhóm đối tượng, tổ chức phỏng vấn sâu 60 thanh, thiếu niên đã phạm pháp; sử dụng phần mềm SPSS 23 để phân tích dữ liệu điều tra, khảo sát; triển khai 02 kế hoạch tổng kết thực tiễn phòng, chống tội phạm, VPPL trong thanh, thiếu niên và bạo lực học đường; nghiên cứu điển hình 50 hồ sơ vụ án do thanh, thiếu niên thực hiện lưu trữ tại cơ quan hồ sơ nghiệp vụ của Công an tỉnh...

- Kinh phí thực hiện:  621 triệu đồng

- Lĩnh vựcKhoa học xã hội.

3

Điều tra, khảo sát, đánh giá tình hình và đề xuất các giải pháp hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

- Năm thực hiện: 2016-2018

- Cơ quan chủ trì: Sở LĐTB&XH

- Chủ nhiệm đề tài:  Th.S. Bùi Đức Thọ.

- Mục tiêu của nhiệm vụ: 

Đề tài hệ thống rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng. Trên cơ sở này đánh giá thực trạng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn trong những năm qua, từ đó đề xuất một số mô hình và các giải pháp hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

- Kết quả thực hiện:

+ Tiến hành lựa chọn 07 xã thuộc 05 huyện, thành phố cụ thể như: xã Ba Vì thuộc huyện Ba Tơ, xã Hành Thịnh thuộc huyện Nghĩa Hành, xã Đức Minh, xã Đức Hòa thuộc huyện Mộ Đức và xã Tịnh Phong thuộc huyện Sơn Tịnh, xã Phổ Thạnh thuộc huyện Đức Phổ và phường Quảng Phú thuộc thành phố Quảng Ngãi; đại diện đặc thù theo vùng miền khác nhau như miền núi, vùng biển, trung du, đồng bằng và trung tâm thành phố; tiến hành điều tra xã hội học trên địa bàn tỉnh để tìm hiểu thực trạng công tác Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cũng như những ý kiến đóng góp, những tâm tư nguyện vọng của người dân.

+ Khảo sát phỏng vấn 1.400 theo phiếu. Trong đó 230 phiếu điều tra đến công chức, viên chức trực tiếp làm công tác Bảo vệ chăm sóc trẻ em về thực hiện chính sách; 20 phiếu điều tra đến cơ quan lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội, cô nhi viện, trung tâm nuôi dạy trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và 1.150 phiếu điều tra đến khu dân cư hộ gia đình theo 10 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gồm: Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; Trẻ em khuyết tật, tàn tật; trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học; Trẻ em nhiễm HIV/AIDS; Trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; Trẻ em phải làm việc xa gia đình; trẻ em lang thang; Trẻ em bị xâm hại tình dục; Trẻ em nghiện ma tuý và Trẻ em vi phạm pháp luật….

- Kinh phí thực hiện: 639 triệu đồng

- Lĩnh vực: Khoa học xã hội

4

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng phục hồi rạn san hô khu vực biển ven bờ huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

- Năm thực hiện:2015-2018

- Cơ quan chủ trì: Viện Hải dương học.

- Chủ nhiệm Dự án: TS. Hoàng Xuân Bền

- Mục tiêu của nhiệm vụ:

- Đánh giá khả năng phục hồi và quản lý rạn san hô vùng biển ven bờ đảo Lý Sơn trên cơ sở phân tính hiện trạng rạn san hô, giải pháp phục hồi và tính khả thi trong thực thi quản lý.

- Xây dựng mô hình trồng phục hồi rạn san hô ở Lý Sơn, với quy mô 2ha (trong phạm vi dự án quy hoạch khu bảo tồn biển Lý Sơn) và quản lý hệ sinh thái rạn san hô nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường và phục vụ du lịch sinh thái biển.

- Kết quả thực hiện

+ Đã phục hồi hơn 3.791 tập đoàn san hô trên hai kiểu giá thể là nền san hô chết và giá thể bê tông nhân tạo. Tỉ lệ sống của san hô phục hồi khá cao, đối với giá thể là bê tông trung bình đạt 95,5% và 97,8% đối với giá thể là nền đáy tự nhiên. Tốc độ tăng trưởng của các loài san hô từ 0,9 - 2,1 mm/tháng tùy thuộc vào loài.

+ Ba loài san hô dạng cành thuộc giống Acropora thích hợp với việc tạo vườn ươm, tỉ lệ sống trung bình đạt 95% và tốc độ tăng trưởng 2,4 mm/tháng.

+ Chất lượng rạn san hô khu vực mô hình được cải thiện rõ rệt với sự gia tăng độ phủ của san hô cứng trên rạn, mật độ cá rạn và động vật đáy tăng đáng kể sau hai năm phục hồi.

+ Cố định các tập đoàn san hô trên giá thể bê tông và nền đáy tự nhiên được xác định là kỹ thuật phù hợp và có hiệu quả cao trong việc phục hồi san hô ở khu BTB Lý Sơn.

- Kinh phí thực hiện:  1.412 triệu đồng

- Lĩnh vực: Khoa học kỹ thuật – Nông nghiệp.

5

Sản xuất tỏi đen từ tỏi Lý Sơn.

- Năm thực hiện:2017-2020

- Cơ quan chủ trì: Công ty cổ phần DORI.

- Chủ nhiệm Dự án: KS. Phạm Văn Công

- Mục tiêu của nhiệm vụ:

- Chuyển giao đến nông hộ 6 hướng dẫn kỹ thuật về; Lai tạo giống và biện pháp nâng cao tỷ lệ thụ thai trong thụ tinh nhân tạo bò; kỹ thuật chăn nuôi bò cái lai Zêbu sinh sản; kỹ thuật chăn nuôi bê lai hướng thịt; Biện pháp phòng chống bệnh trong chăn nuôi bò; kỹ thuật trồng các giống cỏ năng suất cao và chế biến thức ăn hỗn hợp lên men từ các phụ phẩm nông công nghiệp làm thức ăn cho bò thịt và kỹ thuật xây dựng chuồng trại đúng quy cách đàm bảo vệ sinh môi trường.

- Hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong chân nuôi bò cái lai Zêbu sinh sản, cho 600 hộ dân, mỗi hộ có từ 02 con bò cải sinh sàn trở lên

- Phối giống nhân tạo tinh bò thịt có chửa 2.500 lượt bò cái lai Zêbu bằng tinh các giống bò hướng thịt; số lượng bò cái có chửa 1.875 lượt đạt 75%; Tạo ra hơn 1.750 con bê lai hướng thịt có trọng lượng sơ sinh bình quân > 24kg/con; Tỷ lệ bê nuôi sống đến cai sữa đạt trên 90% khoảng 1.600 con;

- Tạo mô hình nuôi thâm canh bê lai hướng thịt, quy mô 90 con, trọng lượng lúc 12 tháng tuổi đạt 180kg/con trở lên.

- Hình thành 18 ha cỏ các loại/600 hộ dân, năng suất trung bình đạt trên 200 tấn/ha/năm.

- Hỗ trợ di dời, xây dựng mới 100 chuồng và chỉnh trang, sửa chữa 50 chuồng nuôi bò theo đúng quy cách của Sở NN và PTNT tỉh Quảng Ngãi ban hành.

- Nâng cao kiến thức và kỹ năng về lai tạo giống bò và nuôi thâm canh bò lai chuyên thịt cho người dân trong vùng dự án.

- Kết quả thực hiện

-  Điều tra, đánh giá thực trạng đàn bò và tình hình chăn nuôi

Thực hiện điều tra 800 hộ/3 xã (Tịnh Giang: 290 hộ, Tịnh Đông: 238 hộ và Tịnh Hiệp: 272 hộ) về chất lượng đàn bò và tình hình chăn nuôi nhằm chọn 600 hộ (Tịnh Giang: 199 hộ, Tịnh Đông: 201 hộ và Tịnh Hiệp: 200 hộ) tham gia dự án với các nội dung điều tra như sau: Số lượng, cơ cấu đàn bò; chất lượng đàn cái hậu bị và sinh sản; phương thức chăn nuôi và nhu cầu phối giống; hiện trạng chuồng trại ở các hộ; tình hình trồng cỏ; sử dụng thức ăn trong nuôi bò; công tác phòng bệnh...

- Xây dựng mô hình chăn nuôi bò cái lai Zê bu sinh sản

+ Chọn hộ, chọn bò tham gia

 Theo các tiêu chí về điều kiện nông hộ (trong vùng dự án, tự nguyện tham gia, có đất trồng cỏ) và tình hình đàn bò (có ≥ 2 bò cái lai Zê bu từ 18 tháng tuổi trở lên, trọng lượng ≥220 kg/con).   Qua kết quả điều tra, chọn hộ tại 3 xã, trung bình mỗi hộ tại các xã khảo sát có 4 con bò, dao động 3,55 đến 4,7 con/hộ. Như vậy, số lượng hộ chọn tham gia dự án ở các xã đảm bảo theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra và số bò cái ở mỗi hộ bình quân là 04 con cao hơn so với kế hoạch đề ra (bình quân 02 con/hộ), có sự khác nhau giữa các vùng, cao nhất là xã Tịnh Hiệp và thấp nhất là ở xã Tịnh Đông.

+ Tổ chức phối giống cho bò cái ở các hộ tham gia mô hình

- Hằng năm, BQL dự án hợp đồng với KTV  03 xã dự án  tổ chức phối giống, số lượng KTV trực tiếp triển khai phối giống là 05 KTV. Tinh bò sử dụng 100% là tinh bò ngoại, gồm 04 giống: Drouhtmaster, Charolais, Red Angus và BBB. Tinh giống bò sử dụng tùy thuộc vào nhu cầu hộ chăn nuôi, chất lượng bò cái sinh sản và điều kiện nuôi dưỡng của nông hộ.

+ Bê lai sinh ra từ kết quả phối giống dự án

Số lượng bê lai sinh ra trong cả chu kỳ thực hiện dự án đạt so với thuyết minh đã phê duyệt (kế hoạch đề ra là trên 1.875 con). Giữa các địa bàn triển khai dự án, không những có sự khác biệt lớn về số lượng bê sinh ra, mà cơ cấu giống cũng không giống nhau. Với xã Tịnh Giang, mặc dù có lượng bê lai sinh ra là khá cao, song phần lớn là bê lai BBB (chiếm 53,1% tổng số bê sinh ra), đặc biệt số bê lai Red Angus  có mặt là quá ít so với các giống bê khác. Điều này cho biết, ngoại hình và màu sắc lông da ở con lai, thị hiếu của thị trường ưa chuộng đã ảnh hưởng rất lớn đến sự lựa chọn giống để phối…..

- Kinh phí thực hiện:  10.168,355 triệu đồng

- Lĩnh vực:  Nông nghiệp.

6

Chăm sóc vườn giống cây ăn quả (bưởi da xanh, chôm chôm java, sầu riêng hạt lép) nhằm tuyển chọn và cung cấp nguồn giống cây ăn quả có chất lượng.

- Năm thực hiện: 2016-2018

- Cơ quan chủ trì: Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN.

- Chủ nhiệm đề tài: CN. Nguyễn Thị Bình

- Mục tiêu của nhiệm vụ:

Sơ tuyển được 140 – 150 cây bưởi da xanh có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, chống chịu được các điều kiện ngoại cảnh bất lợi, đạt năng suất và chất lượng cao để thực hiện bình tuyển và công nhận cây đầu dòng.

Sơ tuyển được 130 – 140 cây chôm chôm java có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, chống chịu được các điều kiện ngoại cảnh bất lợi, đạt năng suất và chất lượng cao để thực hiện bình tuyển và công nhận cây đầu dòng.

Sơ tuyển được 70 – 80 cây sầu riêng hạt lép có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, chống chịu được các điều kiện ngoại cảnh bất lợi để tiếp tục theo dõi, thực hiện bình tuyển và công nhận cây đầu dòng.

- Kết quả thực hiện

- Cây Bưởi da xanh (BDX) trồng tại Trại thực nghiệm sinh trưởng và phát triển tương đối đạt, cây to khỏe, cành lá sum xuê, xanh tươi, hình dáng cân đối, sức sống cao, tỉ lệ sống đạt gần 93%.  Mẫu mã và chất lượng trái được người tiêu dùng ưa chuộng.

Sơ tuyển được 207 cây BDX có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, chống chịu được các điều kiện ngoại cảnh bất lợi. Từ đó, tuyển chọn được 8 cây BDX: B1.51, B2.70, B5.61, B6.70, B6.72, B8.40, B19.71, B20.36 có năng suất và chất lượng vượt trội với độ Brix từ 7,7% trở lên, hàm lượng vitamin C từ 476 mg trở lên để tiếp tục theo dõi, đăng ký bình tuyển cây đầu dòng trong thời gian tới.

- Cây Chôm chôm Java (CCJV) trồng tại Trại thực nghiệm sinh trưởng và phát triển tương đối ổn định trong khoảng thời gian từ tháng 5 – 10 hàng năm, đâm chồi, phân cành, ra hoa, đậu trái, sức sống cao, tỉ lệ sống đạt gần 97%. Mẫu mã và chất lượng trái được người tiêu dùng ưa chuộng. Vào mùa mưa, cây thường bị suy kiệt, sức sống kém, bệnh hại tấn công. Hàng năm, Trung tâm đã tốn nhiều công sức để đầu tư chăm sóc cho vườn cây, và cây phải mất một thời gian dài để phục hồi trạng thái sinh trưởng và phát triển bình thường nên không thể tích lũy kịp thời dinh dưỡng để tạo hoa, nuôi trái theo vụ mùa.

Sơ tuyển được 136 cây CCJV có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, chống chịu được các điều kiện ngoại cảnh bất lợi vượt trội so với các cây khác để tiếp tục theo dõi, tuyển chọn những cây ưu tú thực hiện bình tuyển và công nhận cây đầu dòng trong những năm tới.

-  Cây Sầu riêng hạt lép (SRHL) trồng tại Trại thực nghiệm sinh trưởng và phát triển tương đối tốt, cây to khỏe, cành lá sum xuê, xanh mướt, hình dáng cân đối, sức sống cao, tỉ lệ sống đạt gần 99%.

Cây SRHL thích nghi tốt với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở Trại thực nghiệm. Hàng năm mặc dù gặp nhiều yếu tố bất lợi về thời tiết nhưng cây vẫn sống khỏe, sâu bệnh gây hại ít, ra hoa và đậu quả sớm hơn dự kiến.

Sơ tuyển được 122 cây SRHL có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, chống chịu được các điều kiện ngoại cảnh bất lợi để tiếp tục theo dõi, tuyển chọn những cây ưu tú thực hiện bình tuyển và công nhận cây đầu dòng trong những năm tới.

- Kinh phí thực hiện:  1.376 triệu đồng

- Lĩnh vựcKhoa học Nông nghiệp

7

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm lươn đồng tại Quảng Ngãi.

- Năm thực hiện:2016-2018

- Cơ quan chủ trì: Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi

- Chủ nhiệm đề tài:  KS. Võ Thành Nhân.

- Mục tiêu của nhiệm vụ: 

- Tiếp nhận và hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống lươn tại Quảng Ngãi (có bổ sung các yếu tố, điều kiện thực tế sản xuất tại Quảng Ngãi), đào tạo cán bộ kỹ thuật nắm rõ các bước kỹ thuật trong sản xuất bán nhân tạo lươn đồng sau khi dự án kết thúc.

- Sản xuất thử nghiệm thành công lươn giống đủ tiêu chuẩn nuôi thương phẩm (70.000 con giống có qui cỡ ≥15cm/con).

- Đánh giá chất lượng con giống và phát triển nuôi thương phẩm lươn đồng tại Quảng Ngãi.       

- Kết quả thực hiện:

- Tổ chức 02 đợt sản xuất giống lươn đồng tại Quảng Ngãi, sản phẩm thu được 70.000 con lươn giống, quy cỡ giống ≥15 cm/con, con giống sản xuất có chất lượng tốt, độ đồng đều cao, sử dụng được thức ăn công nghiệp và thích nghi nhanh với môi trường khi đưa ra nuôi thương phẩm.

- Triển khai 25 mô hình nuôi thử nghiệm (sử dụng sản phẩm của dự án - 70.000 con lươn giống) trên địa bàn 03 huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa và Nghĩa Hành, các yêu cầu mô hình đạt được theo thuyết minh đề cương dự án đề ra.

- Kết quả đạt được từ các mô hình nuôi thương phẩm như sau:

+ 21/25 mô hình nuôi thành công, 04 mô hình chấm dứt thực hiện, cụ thể: Đợt I: 01 mô hình (nguyên nhân: do hỏng đường ống cấp thoát nước làm cho lươn nuôi tại mô hình chết); Đợt II: 03 mô hình (nguyên nhân: do đợt lũ lụt lớn xảy ra trên địa bàn triển khai mô hình vào tháng 12/2017 làm ngập các hồ nuôi, lươn bị sốc môi trường, chết và thất thoát)

+ Sản lượng lươn nuôi thương phẩm tại các mô hình là: 7.656 kg, đạt 92,8% sản lượng theo thuyết minh.

- Biên soạn và hoàn chỉnh Quy trình hướng dẫn kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm lươn đồng tại Quảng Ngãi.

- Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật nuôi thương phẩm lươn đồng tại Quảng Ngãi.

- Kinh phí thực hiện:  812  triệu đồng

- Lĩnh vực: Khoa học nông nghiệp.

8

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thử nghiệm ương giống cá Bớp (rachycentron canadum) giai đoạn từ trứng lên cá giống tại Quảng Ngãi.

- Năm thực hiện: 2016-2018

- Cơ quan chủ trì: Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi

- Chủ nhiệm dự án: KS. Phạm Tấn Quang.

- Mục tiêu của nhiệm vụ: 

- Nắm vững và hoàn thiện hướng dẫn quy trình kỹ thuật ương giống cá bớp (từ giai đoạn trứng lên cá giống) phù hợp tại Quảng Ngãi.

- Ương thành công 30.000 con giống cá bớp đủ tiêu chuẩn nuôi thương phẩm.

- Đánh giá chất lượng sản phẩm cá bớp giống của dự án, thông qua triển khai các mô hình nuôi thương phẩm.

- Kết quả thực hiện: 

- Tổ chức ương thực nghiệm giống cá bớp giai đoạn từ trứng lên cá giống tại Quảng Ngãi, sản phẩm thu được 30.000 con cá bớp giống, tỷ lệ nở 70,2%, tỷ lệ sống cá bột lên cá hương 1,98%, cá hương lên cá giống 59,5%, đạt chỉ tiêu so với dự án đề ra.

- Xây dựng 30 mô hình nuôi thử nghiệm trên địa bàn 03 huyện Bình Sơn, Lý Sơn và Đức Phổ, tỷ lệ sống trung bình 72%, sau 07 tháng nuôi trung bình cá 3,8kg/con, sản lượng trung bình 2.736kg/mô hình, đạt và vượt chỉ tiêu dự án đề ra.

- Biên soạn và hoàn chỉnh hướng dẫn quy trình kỹ thuật ương giống cá bớp giai đoạn từ trứng lên cá giống tại Quảng Ngãi. Xây dựng 01 đĩa phim tư liệu dài 15 phút hướng dẫn kỹ thuật ương giống cá bớp.

- Kinh phí thực hiện: 906 triệu đồng

- Lĩnh vực: Khoa học nông nghiệp.

9

“Nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát huy vai trò của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ngãi”.

- Cơ quan chủ trì:  Trường Đại học Kinh tế - Luật.

- Đồng chủ nhiệm đề tài: PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng

                                           PGS.TS Phạm Đăng Phước

- Mục tiêu của nhiệm vụ:

+ Xác định các luận cứ khoa học về vai trò của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng/địa phương, trong đó xem xét đến các khía cạnh của phát triển bền vững.

+ Đánh giá thực trạng phát triển doanh nghiệp và đóng góp của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi trong những năm qua.

+ Đưa ra các định hướng cần ưu tiên thu hút đầu tư phát triển doanh nghiệp ở các khu vực và ngành kinh tế; đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm thu hút đầu tư, phát triển và phát huy vai trò của doanh nghiệp trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

- Kết quả thực hiện:

Đề tài đã nghiên cứu, đánh giá tổng quan về vai trò của doanh nghiệp và sử dụng các phương pháp nghiên cứu về khảo lược các nghiên cứu cùng chủ đề; thống kê mô tả và so sánh; điều tra, khảo sát thuộc địa; phỏng vấn sâu ý kiến các chuyên gia kết hợp với phân tích SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức); phân tích định lượng các yếu tố tác động đến hoạt động và sự phát triển của doanh nghiệp; Các cơ sở lý luận về vai trò và nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp. Kinh nghiệm từ thực tiễn của các địa phương trong nước, đề tài đã đưa ra một số kinh nghiệm để phát triển vai trò doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần phải xác định nền tảng của quá trình thu hút đầu tư của các doanh nghiệp là cần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy được các thành phần kinh tế góp phần vào quá trình phát triển, tạo sự thống nhất đồng lòng giới lãnh đạo và cán bộ quản lý ở địa phương…

- Kinh phí thực hiện:  840 triệu đồng

- Lĩnh vựcKhoa học xã hội và nhân văn.

10

Điều tra đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp can thiệp trẻ tự kỷ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

- Năm thực hiện: 2016-2019

- Cơ quan chủ trì: Sở Y tế Quảng Ngãi.

- Chủ nhiệm đề tài: Th.s.BSCKII.Nguyễn Tấn Đức

- Mục tiêu của nhiệm vụ:

+ Điều tra, phân loại, đánh giá thực trạng trẻ tự kỷ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;

+ Đề xuất giải pháp can thiệp, điều trị trẻ tự kỷ;

+ Xây dựng mô hình can thiệp, điều trị trẻ tự kỷ tại cơ sở chuyên biệt kết hợp với gia đình và cộng đồng.

- Kết quả thực hiện

Đề tài đã nghiên cứu, điều tra thực trạng, thực hiện phiếu đánh giá dấu hiệu “cờ đỏ” để sàng lọc ban đầu tại cộng đồng để chuẩn đoán rối loạn phát triển của trẻ; phiếu sàng lọc MCHAT gồm 23 câu hỏi để đánh giá sự phát triển các vấn đề liên quan đến triệu chứng khiếm khuyết của trẻ tự kỷ; đánh giá theo thang CARS gồm 15 mục về các lĩnh vực thường bị ảnh hưởng bởi các vấn đề nghiêm trọng ở trẻ tự kỷ; chẩn đoán xác định theo DSM-V gồm 5 nhóm tiêu chuẩn và 7 tiêu chí. Đề tài thu thập thông tin được thực hiện từ trạm y tế phường, xã; tập huấn, điều tra danh sách, điều tra thu thập số liệu nghiên cứu số liệu, đặc điểm trẻ tự kỷ.

Đề tài đã thực hiện chẩn đoán trên 74.308 trẻ em trên toàn tỉnh độ tuổi từ 24 tháng đến 72 tháng tuổi. Kết quả cho thấy tỷ lệ hiện mắc rối loạn tự kỷ của trẻ ở độ tuổi từ 24 đến 72 tháng tuổi ở tỉnh Quảng Ngãi là 0,38% (trong đó mức độ nặng chiếm 63,57%, mức độ nhẹ-vừa chiếm 36,43%); tỷ lệ trẻ rối loạn tự kỷ ở thành thị là 0,61%, nông thôn là 0,33%; tỷ lệ mắc rối loạn tự kỷ ở trẻ nam là 0,55%, trẻ nữ là 0,18%; độ tuổi trung bình được phát hiện chuẩn đoán là 45,49+13,30 tháng tuổi….

- Kinh phí thực hiện:  1.352 triệu đồng

- Lĩnh vựcKhoa học Y dược

11

“Hỗ trợ ứng dụng kỹ thuật sản xuất lúa, gạo hữu cơ chất lượng cao tại Quảng Ngãi”.

- Cơ quan chủ trì: Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín.

- Đồng chủ nhiệm đề tài: CN. Nguyễn Văn Tấn; KS. Phan Sơn

- Mục tiêu của nhiệm vụ:

+ Chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất lúa gạo hữu cơ phù hợp với điều kiện vùng Dự án nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản xuất lúa gạo lên 15-20% cho người sản xuất so với sản xuất lúa truyền thống.

+ Xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ chất lượng cao quy mô 120 ha/kỳ dự án, năng suất đạt 40 -50 tạ/ha.

+ Xây dựng mô hình thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm gạo hữu cơ chất lượng cao, quy mô 450 tấn thóc (200 tấn gạo đạt tiêu chuẩn thương mại) trong chu kỳ dự án.

+ Đào tạo kỹ thuật viên cơ sở (KTV) 20 người; Tập huấn cho nông dân về kỹ thuật thâm canh lúa hữu cơ với 300 lượt người tham dự; Tổ chức 02 Hội nghị đầu bờ cho nông dân trong và ngoài dự án để tham quan, đánh giá, nhân rộng mô hình.

- Kết quả thực hiện

- Khảo sát đánh giá, phân tích các mẫu đất, nước và chọn được những xứ đồng thích hợp với các chỉ tiêu mà dự án đặt ra để xây dựng mô hình sản xuất. Từ đó xác định số hộ dân tham gia là 285 hộ dân; trong đó Hành Dũng là 122 hộ, Hành Nhân là 163 hộ.

- Chuyển giao được kỹ thuật sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ phù hợp với điều kiện tại xã Hành Nhân và Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, nâng cao giá trị gia tăng sản xuất lúa gạo lên 19,5% cho người sản xuất so với sản xuất lúa truyền thống.

- Thiết lập được chuỗi liên kết giữa Công ty – HTX Nông nghiệp – Nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thông qua Hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ thể hiện rõ nội dung thực hiện, trách nhiệm của các bên liên quan tham gia thực hiện chuỗi.

- Xây dựng được mô hình sản xuất lúa hữu cơ với quy mô 120 ha, đạt năng suất 40- 60 tạ/ha và thu mua được của nông dân 542 tấn lúa.

- Xây dựng cơ sở chế biến, mua sắm và lắp đạt các loại máy móc thiết bị để thực hiện việc sản xuất và chế biến sản phẩm gạo hữu cơ thông qua tiếp nhận các chuyên đề kỹ thuật tiếp nhận từ cơ quan chuyển giao.

- Xây dựng được mô hình thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm gạo hữu cơ chất lượng cao, quy mô 542 tấn thóc (trên 200 tấn gạo đạt tiêu chuẩn thương mại) trong chu kỳ dự án. Sản phẩm lúa thu mua của nông dân sản xuất được từ mô hình được chế biến, kiểm tra chất lượng và được Chi cục vệ sinh ATTP cấp giấy xác nhận đảm bảo tiêu chuẩn cho hai sản phẩm gạo Nông Tín (cho sản phẩm chế biến từ giống lúa BM125 và Hà Phát 3) và gạo tím Nông Tín (cho sản phẩm chế biến từ giống lúa LĐ1). Các sản phẩm gạo được lưu thông trên thị trường tại tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận, bước đầu được người tiêu dùng tiếp nhận.

- Đào tạo được kỹ thuật viên cơ sở (KTV) 20 người; Tập huấn cho nông dân về kỹ thuật thâm canh lúa theo hướng hữu cơ với 300 lượt người tham dự; Tổ chức 02 Hội nghị đầu bờ cho nông dân trong và ngoài dự án để tham quan, đánh giá, nhân rộng mô hình.

- Kinh phí thực hiện:  7.715.544 triệu đồng

- Lĩnh vực Khoa học Nông Nghiệp.

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1441

Tổng số lượt xem: 4245068