Truy cập nội dung luôn

Lựa chọn xu hướng phát triển nông nghiệp Quảng Ngãi trong tương lai

21/10/2021 11:13    603

Sự cần thiết lựa chọn xu hướng phát triển nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi theo hướng nông nghiệp sinh thái.

Quá trình đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, theo đuổi tăng sản lượng đã gây ra nhiều vấn đề về môi trường và an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Điều đó làm ngành nông nghiệp đứng trước nhiều vấn đề lớn như ô nhiễm môi trường, đất đai bạc màu, suy giảm đa dạng sinh học, bùng phát sâu bệnh. Mặt khác, trong điều kiện biến đổi khí hậu và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nông sản trong thương mại hàng nông sản. Điều đó đã đặt ra nhiều hơn những yêu cầu đối với ngành nông nghiệp Quảng Ngãi về các vấn đề nông sản đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn GAP, tiêu chuẩn NNHC,… và nông nghiệp thích ứng biến đối khí hậu.

Ở Quảng Ngãi, ngành nông nghiệp cũng có vị trí rất quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh, đóng góp khoảng 18,9% GRDP (2019) tỉnh Quảng Ngãi, chiếm 49,2% lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế, nuôi sống 83,6% dân số nông thôn và cung cấp lương thực thực phẩm cho 16,4% dân số thành thị; trong đó trồng trọt và chăn nuôi là hai ngành sản xuất chủ yếu chiếm tỉ lệ lần lượt 58,0% và 37,3% giá trị sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành kinh tế này chủ yếu dựa trên những lợi thế về tài nguyên, hiệu quả thấp; kỹ thuật canh tác chưa hợp lí, lạm dụng bón phân hóa học, sử dụng chất bảo vệ thực vật hóa học quá mức, bảo quản chế biến không đảm bảo đã gây ra nhiều hệ lụy phá hủy môi trường, đầu độc người tiêu dùng, và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe thế hệ mai sau. 

Trồng rau màu trên đất lúa chuyển đổi  (xã Nghĩa Hà, TP. Quảng Ngãi).

Trồng rau màu trên đất lúa chuyển đổi (xã Nghĩa Hà, TP. Quảng Ngãi).

Đứng trước bối cảnh này, để xây dựng hệ thống giải pháp cho phát triển nông nghiệp Quảng Ngãi không những hiệu quả kinh tế mà còn bảo vệ môi trường, đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm cho xã hội và các vấn đề xã hội khác, tôi xin đưa ra quan điểm nghiên cứu về việc lựa chọn xu hướng phát triển nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi trong tương lai là hướng theo nền nông nghiệp sinh thái.

Nông nghiệp sinh thái là gì?

Nông nghiệp sinh thái là một hệ thống nông nghiệp tích hợp có sự hài hòa trong sản xuất nông nghiệp với việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, nâng cao mối quan hệ bình đẳng và chất lượng cuộc sống tốt cho các đối tượng tham gia. Nông nghiệp sinh thái là một bộ phận của nông nghiệp bền vững. Nông nghiệp sinh thái khác với nông nghiệp công nghiệp hóa là ở việc hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, hạn chế các chất hóa học (phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học…), chú ý nhiều đến việc sử dụng các quy luật sinh học, sinh thái trong việc tiến hành các biện pháp kỹ thuật nông nghiệp.

Nông nghiệp sinh thái ít gây ra những tác động mạnh mẽ, thô bạo lên thiên nhiên, hạn chế ô nhiễm môi trường, hạn chế phát thải khí nhà kính, nhất là khí CO2. Vì vậy, nông nghiệp sinh thái có nhiều mặt tích cực trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Nông nghiệp sinh thái còn là ngành sản xuất trên cơ sở chú trọng nghiên cứu và lựa chọn những loại giống cây và con phù hợp với điều kiện sinh thái của vùng sản xuất, sao cho đảm bảo được năng suất cao, chất lượng nông sản tốt, sức cạnh tranh lớn và đảm bảo chất lượng cho môi trường sống (cả con người và tự nhiên). 

Việc cần thiết phải phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái là do sản xuất NN hiện tại kém bền vững về mặt sinh thái đối với tài nguyên tự nhiên và độ phì nhiêu của đất, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường, không thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái là phát triển hệ thống sản xuất nông nghiệp trên cơ sở tổ chức, quản lý hiệu quả và tối ưu nguồn lực địa phương trên cơ sở sinh thái học và áp dụng kỹ thuật canh tác hài hòa giữa truyền thống và hiện đại cũng như khoa học phù hợp với điều kiện hiện có, để đem lại lợi ích cho môi trường, nâng cao mối quan hệ bình đẳng và chất lượng cuộc sống tốt cho tất cả các bộ phận có liên quan. Do sự bố trí các nguồn lực khác nhau theo không gian và thời gian cũng như mỗi một cách tiếp cận sẽ có một quan niệm khác nhau của vấn đề này. Theo đó, có thể tóm tắt phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái với một số hệ thống canh tác như sau:

+ Hệ thống canh tác có đầu vào thấp: Là hệ thống canh tác nông nghiệp để hạn chế suy giảm tài nguyên. Nếu nông dân sử dụng ít hơn các nguồn hóa chất, phân bón, nhiên liệu, vốn, nhân công thì chi phí đầu vào sẽ giảm, hệ sinh thái ít bị hủy hoại do các chất tồn dư và do làm đất quá mức.

+ Hệ thống canh tác tái tạo: Đó là hệ thống canh tác có thể tự tái tạo sau mỗi mùa vụ. Thông qua kỹ thuật sử dụng ủ phân xanh, phân chuồng tái sử dụng trở lại dòng dinh dưỡng cho đất sau mỗi vụ mùa. Nền nông nghiệp sinh thái có tính tự túc (permaculture) là một hệ thống canh tác tái tạo thân thiện.

+ Hệ thống sử dụng cơ chế sinh học: Cách tiếp cận này tập trung huy động cơ chế sinh học, giun và vi khuẩn trong đất phân hủy chất hữu cơ và cung cấp chất dinh dưỡng cho đồng cỏ hay cây trồng, tự nhiên sẽ giúp loại bỏ chất thải (phân động vật).

+ Hệ thống sản xuất hữu cơ: Hệ thống canh tác này liên quan đến việc sử dụng đầu vào tự nhiên và kiểm soát dịch hại cũng như sử dụng phân chuồng và luân canh. Hệ thống sản xuất hữu cơ có những yêu cầu nghiêm ngặt về những sản phẩm và kỹ thuật sản xuất, sản phẩm hữu cơ cần phải có chứng nhận.

+ Canh tác bảo tồn: Hình thức canh tác này dựa trên cơ sở về sự bảo tồn nguồn tài nguyên. Trong canh tác bảo tồn các dòng vật chất đều được tái sử dụng (recycle) trong trang trại.

Mô hình xen canh lạc với sầu riêng trong thời kì kiến thiết cơ bản (hộ ông Hà Thanh, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi).

Mô hình xen canh lạc với sầu riêng trong thời kì kiến thiết cơ bản (hộ ông Hà Thanh, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi).

+ Nông nghiệp thủy canh: Nông nghiệp thủy canh tuy không phải là hệ thống canh tác tự nhiên, nhưng thân thiện với môi trường, cho phép kiểm soát tốt hơn sự sinh trưởng của cây trồng, kiểm soát sản xuất và chất thải, đưa sản xuất lại gần hơn với thị trường. Nhiều sản phẩm có thể được trồng trên một khu vực nhỏ; mặc dù tốn chi phí cao việc xây dựng.

+ Phân bố sản xuất phù hợp với tiềm năng đất đai: Điều này đặc biệt quan trọng với những nơi điều kiện khí hậu và đất trồng chỉ thích hợp với một số loại cây trồng, vật nuôi nhất định và với một quy mô sản xuất, tốc độ tăng trưởng phù hợp.

+ Cải thiện di truyền: Điều này liên quan đến việc chọn giống cây trồng vật nuôi có các đặc trưng di truyền mong muốn. Cần chú ý chọn các giống có khả năng chống chịu dịch bệnh tốt hơn, các giống cây trồng có thể trồng ở những vùng đất bị thoái hóa mà không làm cho vấn đề trầm trọng thêm.

+ Nông nghiệp đa canh: Nhiều trang trại hiện đại áp dụng hệ thống đơn canh. Đơn canh trên quy mô lớn có nguy cơ cao hơn về sâu bệnh, dịch hại. Một tài nguyên nếu sử dụng riêng cho một loại cây trồng sẽ dẫn đến sự suy kiệt hoàn toàn loại tài nguyên đó. Nếu thị trường trở nên trì trệ thu nhập có thể không có. Nông nghiệp đa canh có thể giúp giải quyết các vấn đề này.

+ Quản lí tổng hợp: Việc quản lí tổng hợp sẽ cho phép giải quyết vấn đề kịp thời, trước khi nó phát triển sang trạng thái suy thoái. Thuốc trừ sâu hóa học và phân bón nhân tạo có thể vẫn sử dụng, nhưng sẽ được quản lí tốt hơn, sự suy thoái đất sẽ được xử lí được nhanh chóng, chất lượng nguồn nước sẽ được duy trì, mầm bệnh cũng sẽ được điều khiển trước khi chúng phát tán rộng. Sự đa dạng các loại sản phẩm sẽ được điều chỉnh để mang lại những thay đổi trên thương trường.

Đến lúc này việc lựa chọn hệ thống canh tác phù hợp với điều kiện sản xuất và mang lại lợi ích cao nhất cho các đối tượng tham gia là điều kiện cấp thiết trong tình hình hiện nay của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi.

(Còn tiếp theo ở Bản tin KH&CN số 05-2021 “Bức tranh của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, việc lựa chọn mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái thích hợp và hệ thống các giải pháp”).

Theo Bản tin KH&CN số 04/2021

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1177

Tổng số lượt xem: 4244814