Truy cập nội dung luôn

Nghiệm thu dự án "Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình liên kết bền vững trong sản xuất lúa giống xác nhận và gạo chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP tại tỉnh Quảng Ngãi"

24/07/2023 18:27    318

TS. Trần Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, Sản phẩm cây trồng Miền Trung - Chủ tịch Hội đồng.

Chiều ngày 24/7, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức đánh giá, nghiệm thu tại địa phương kết quả thực hiện dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình liên kết bền vững trong sản xuất lúa giống xác nhận và gạo chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP tại tỉnh Quảng Ngãi” do Công ty TNHH nông lâm nghiệp TBT tổ chức thực hiện, Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế là tổ chức hỗ trợ ứng dụng công nghệ. TS. Trần Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, Sản phẩm cây trồng Miền Trung - Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.

Mục tiêu của dự án là ứng dụng khoa học công nghệ hình thành mô hình liên kết trong sản xuất lúa giống và gạo chất lượng cao, đảm bảo tính bền vững và nâng cao thu nhập cho doanh nghiệp, người dân trong vùng dự án.

Đại diện đơn vị chủ trì báo cáo kết quả thực hiện dự án tại buổi nghiệm thu.

Đại diện đơn vị chủ trì báo cáo kết quả thực hiện dự án tại buổi nghiệm thu.

Để thực hiện dự án cơ quan chủ trì, chủ nhiệm đề tài đã liên kết với Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế hỗ trợ ứng dụng công nghệ và chuyển giao 05 qui trình công nghệ, gồm: Quy trình kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa Bắc Thịnh và KD28 (02 quy trình); Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa thương phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP đối với giống lúa Bắc Thịnh và KD28 (02 quy trình); Quy trình công nghệ chế biến, đóng gói gạo an toàn.

Theo báo cáo, qua 36 tháng triển khai, dự án đã thực hiện được tất cả các nội dung dự án được phê duyệt như tổ chức đào tạo 10 kỹ thuật viên cấp cơ sở (07 cán bộ kỹ thuật của HTX và 03 nhân viên kỹ thuật Công ty TBT) và mở 04 lớp tập huấn cho 200 lượt nông dân thuộc vùng dự án; xây dựng được các mô hình liên kết hiệu quả và bền vững trong sản xuất, tiêu thụ hạt lúa giống cấp xác nhận; sản xuất lúa gạo đạt tiêu chuẩn VietGAP và chế biến gạo an toàn chất lượng cao, trong đó:

+ Mô hình sản xuất lúa giống: Quy mô 800 ha/4 vụ, năng suất bình quân 6,8 tấn/ha, tổng sản lượng giống đạt 5.440 tấn, sản lượng hạt giống thu mua 5.415,6 tấn lúa tươi; phơi sấy sơ chế đóng gói thành phẩm đạt 4.019 tấn, chất lượng hạt giống đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận 1 theo QCVN01-54:2011/BNNPTNT.

+ Mô hình sản xuất lúa thương phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP: Quy mô 320 ha/4 vụ, năng suất bình quân 6,7 tấn/ha, tổng sản lượng lúa đạt chất lượng lúa VietGAP là 2148,6 tấn; sản lượng thu mua lúa tươi đạt tiêu chuẩn lúa VietGAP 1.946,4 tấn, sơ chế đạt 1.595 tấn, tương đương 1.036 tấn gạo VietGAP đạt TCVN 11892-1:2017.

+ Mô hình chế biến, đóng gói lúa gạo chất lượng VietGAP với cơ sở hạ tầng máy móc trang thiết bị đồng bộ công suất 01 tấn lúa /giờ.

Thành viên hội đồng đánh giá, phản biện kết quả thực hiện dự án.

Thành viên hội đồng đánh giá, phản biện kết quả thực hiện dự án.

Các mô hình này thực hiện tại 02 huyện Mộ Đức và Đức Phổ, được các địa phương đánh giá là có hiệu quả kinh tế - xã hội cao và bền vững.

Thông qua đào tạo và thực tiễn xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ, đã tổ chức chuyển giao và tiếp nhận thành công 04 qui trình công nghệ sản xuất hạt giống xác nhận và lúa gạo thương phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP đối với 2 giống lúa Bắc Thịnh, KD28 tại Quảng Ngãi và 01 quy trình chế biến gạo thương phẩm.

Năm 2023 Công ty TBT duy trì liên kết các mô hình trong dự án với 200 ha giống và 80 ha lúa VietGAP và nhân rộng 4 mô hình sản xuất lúa Bắc Thịnh và lúa KD28. Trong đó, 2 mô hình 80 ha tại Quảng Ngãi và 2 mô hình 80 ha tại Bình Định; sản lượng dự kiến thu 2.100 – 2.200 tấn giống.   

Ông Nguyển Quang Trung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN phát biểu, trao đổi.

Ông Nguyển Quang Trung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN phát biểu, trao đổi.

Ông Huỳnh Văn Tố, Phó chủ tịch Thường trực LHHKHKT tỉnh tham gia thảo luận, trao đổi.

Ông Huỳnh Văn Tố, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội  KHKT tỉnh tham gia thảo luận, trao đổi tại buổi nghiệm thu.

Mặc dù mô hình sản xuất lúa gạo chất lượng đạt tiêu chuẩn VietGAP chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng bởi còn phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan mà yếu tố quyết định nhất là vấn đề nhận thức người tiêu dùng. Thế nhưng, mô hình cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao nhận thức về sản xuất nông nghiệp an toàn – một xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện nay.

Dự án thực hiện trong giai đoạn khó khăn, phức tạp do diễn biến của dịch Covid 19 gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, giản cách xã hội không hội họp đông người, đi lại khó khăn, nhất là công tác thị trường marketing sản phẩm, tạm hoãn nhiều hợp đồng mua bán gây ách tắc đầu ra sản phẩm, nhất là các hợp đồng mua bán gạo của dự án,… Tuy vậy, Dự án đã thực hiện đầy đủ theo số lượng và chuẩn loại đã được duyệt.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch hội đồng, Giám đốc Sở KH&CN phát biểu, đánh giá kết quả thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Sở KH&CN phát biểu, đánh giá kết quả thực hiện dự án.

Với kết quả đạt được, Dự án đã được Hội đồng nghiệm thu với kết quả đánh giá Đạt. Đồng thời, Chủ tịch hội đồng đề nghị cơ quan chủ trì, chủ nhiệm đề tài tiếp thu ý kiến và chỉnh sửa theo góp ý của các thành viên Hội đồng nghiệm thu để hoàn thiện hồ sơ của nhiệm vụ trình Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu cấp Quốc gia.

Nguyễn Bình

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1578

Tổng số lượt xem: 4301004