Truy cập nội dung luôn

Lợi ích từ mô hình canh tác lúa theo hướng an toàn sinh học

21/10/2021 14:36    606

Qua 4 tháng triển khai, mô hình canh tác lúa theo hướng an toàn sinh học bước đầu đã có tín hiệu khả quan, giúp bà con giảm chi phí sản xuất, an toàn sức khỏe, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, an toàn.

Mô hình do Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ KHCN phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai thực hiện trong vụ Hè Thu năm 2021, hướng đến mục tiêu sản xuất lúa chất lượng cao an toàn sinh học, mang lại lợi nhuận cho nông dân, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Đây là một trong nội dung của đề tài KH&CN “Điều tra đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong  sản xuất lúa, gạo và một số loại rau chủ yếu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi” do Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ khoa học công nghệ chủ trì thực hiện.

Mô hình canh tác lúa theo hướng an toàn sinh học triển khai tại HTX NN Phổ Thuận.

Mô hình canh tác lúa theo hướng an toàn sinh học triển khai tại HTX NN Phổ Thuận.

Mô hình được thực hiện tại HTX NN Phổ Thuận với quy mô diện tích 10.000m2, giống QNg6 (Thiên Hương 6), với 12 hộ tham gia. Sau khi chọn điểm trình diễn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tiến hành tổ chức tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa theo hướng an toàn sinh học nhằm giúp bà con nông dân nắm được cách bón phân cân đối, hợp lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật sự cần thiết, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học thay thế thuốc hóa học, sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”, tuân thủ thời gian cách ly của từng loại thuốc... Đồng thời, cán bộ kỹ thuật của Chi cục đã phối hợp với Hội nông dân thị xã và Ban quản trị HTX để quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện mô hình đảm bảo theo các yêu cầu của quy trình. Trong quá trình triển khai mô hình, các hộ dân đã được cán bộ kỹ thuật tập huấn, hướng dẫn làm kỹ đất, tạo mặt ruộng bằng phẳng, thoát nước trước khi sạ. Đảm bảo ngâm ủ giống đúng kỹ thuật, thường xuyên kiểm tra mầm, khi mầm dài bằng 1/3 hạt lúa, rễ dài bằng 1/2 hạt lúa tiến hành sạ. Lượng giống sạ cho 1 sào (500m2) là 4,5kg giống. Phân bón được bón vào 4 thời kỳ sinh trưởng phát triển chính của cây lúa (1 lần bón lót và 03 lần bón thúc phù hợp với thời kỳ sinh trưởng của lúa). Lượng phân bón tính cho 1 sào, gồm: 25 kg vôi, 500 kg phân chuồng; 20 kg lân (đối với vùng đất chua nên sử dụng lân văn điển); 12 kg urê; 6,0kg kali. Chỉ sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật để phòng trừ khi các đối tượng sâu bệnh đạt đến ngưỡng gây hại theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, ưu tiên sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học thay thế thuốc có nguồn gốc hóa học. Chế độ nước tưới khoa học, phù hợp nhu cầu phát triển của cây lúa…

Ông Nguyễn Thế Vĩnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Mô hình đã hướng dẫn nông dân sử dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, đặc biệt lưu ý về mật độ sạ hợp lý, bón phân cân đối đúng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa và chỉ sử dụng thuốc BVTV khi các đối tượng sâu bệnh đến ngưỡng gây hại cần phòng trừ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học thay thế thuốc hóa học và tuân thủ Nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc BVTV, đảm bảo thời gian cách ly của thuốc. Lượng giống gieo sạ ruộng mô hình 90kg/ha, giảm được 30kg/ha so với ruộng nông dân ngoài mô hình. Số lần phun thuốc trừ sâu giảm được 2 lần và thuốc trừ bệnh giảm được 0,5 lần, qua đó góp phần giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất và nâng cao chất lượng nông sản. 

Hội nghị đầu bờ mô hình canh tác lúa theo hướng an toàn sinh học.

Hội nghị đầu bờ mô hình canh tác lúa theo hướng an toàn sinh học.

Là 1 trong 12 hộ tham gia mô hình, ông Lê Tiếng, thôn Vùng Tư, xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ phấn khởi cho biết: Lâu nay bà con chúng tôi có tập quán sạ dày, bón phân không cân đối, phun thuốc nhiều lần khoảng 20 ngày phun 1 lần, không theo chu kỳ sinh trưởng của cây lúa. Qua tham gia mô hình này, chúng tôi được tiếp cận kỹ thuật canh tác lúa an toàn, thực hiện mật độ sạ hợp lý, bón phân cân đối, chỉ sử dụng thuốc BVTV khi thật sự cần thiết nên ruộng gia đình ít bị sâu bệnh hơn so với các ruộng bên ngoài. Nhờ đó, năng suất lúa của gia đình đạt hơn so với sản xuất đại trà từ 10-12%, tăng hiệu quả kinh tế gia đình.

Qua so sánh hiệu quả kinh tế giữa ruộng mô hình và ruộng sản xuất theo tập quán nông dân, năng suất lúa ruộng mô hình ước đạt 68 tạ/ha, còn ruộng nông dân 60,0 tạ/ha, cao hơn ruộng nông dân 8 tạ/ha. Tổng thu của mô hình là 47.600.000 đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đem lại cho người nông dân trong mô hình 17.310.000 đồng/ha, ruộng nông dân là 7.520.000 đồng/ha. Như vậy, so với ruộng nông dân thì ruộng mô hình lãi cao hơn 9.790.000 đồng/ha. Nguyên nhân chủ yếu là do giảm được lượng giống gieo sạ, giảm thuốc bảo vệ thực vật, công phun thuốc và năng suất lúa tăng.

Ruộng lúa an toàn sinh học của hộ ông Lê Tiếng ước cho năng suất đạt cao hơn so với ruộng lúa đại trà từ 10-12%.

Ruộng lúa an toàn sinh học của hộ ông Lê Tiếng ước cho năng suất đạt cao hơn so với ruộng lúa đại trà từ 10-12%.

Ông Võ Minh Châu, chủ tịch Hội nông dân thị xã Đức Phổ cho biết: Mô hình canh tác lúa theo hướng an toàn sinh học triển khai tại địa phương đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người sản xuất, người tiêu dùng và mở ra một hướng canh tác bền vững cho địa phương. Nhằm giúp thay đổi phương thức cách sản xuất cho bà con trong thời gian đến, Hội nông dân thị xã sẽ phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền cho bà con nông dân trên địa bàn thị xã nhân rộng mô hình sản xuất lúa đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp trong thời gian đến.

Từ kết quả bước đầu cho thấy, mô hình canh tác lúa theo hướng an toàn sinh học đã mang nhiều lợi ích, không chỉ góp phần tạo ra sản phẩm nông sản an toàn, có lợi cho sức khỏe con người mà còn nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác trong việc sản xuất lúa theo hướng an toàn sinh học, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng, phát triển nông nghiệp bền vững.

Theo Bản tin KH&CN số 04/2021.

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1246

Tổng số lượt xem: 4244070