Nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) trên một số cây trồng có giá trị kinh tế cao để nâng cao nhận thức và năng lực canh tác của người dân tại tỉnh Quảng Ngãi”
Phó Giám đốc Sở KH&CN Phan Văn Hiếu phát biểu chỉ đạo tại buổi nghiệm thu.
Chiều ngày 22/01, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) trên một số cây trồng có giá trị kinh tế cao để nâng cao nhận thức và năng lực canh tác của người dân tại tỉnh Quảng Ngãi” do Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế phối hợp với các địa phương trong tỉnh thực hiện.
TS. Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ - Chủ tịch Hội đồng.
Đề tài bắt đầu triển khai từ tháng 12/2021 kết thúc tháng 6/2024, gia hạn đến 12/2024 tại các huyện Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa. Đề tài đã tiến hành đánh giá hiện trạng sản xuất và thực trạng chuỗi cung ứng và tiêu thụ các sản phẩm từ cây bưởi da xanh, ớt, lạc và dưa hấu tại tỉnh Quảng Ngãi.
PGS. TS. Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế - Chủ nhiệm đề tài.
Để xây dựng các mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP, đề tài đã tiến hành phân tích chất lượng đất, chọn đất không bị ô nhiễm, không chịu ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, bệnh viện và các nguồn ô nhiễm khác, đáp ứng QCVN 03-MT:2015/BTNMT, lượng kim loại nặng cho phép trong tầng đất mặt đối với đất nông nghiệp.
Theo báo cáo kết quả triển khai của đơn vị chủ trì, đề tài đã thực hiện đầy đủ chủng loại theo thuyết minh đề cương đã phê duyệt và Hợp đồng số 05/2021/HĐ-ĐTKHCN ngày 27/12/2021 giữa Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi với Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế.
GS. TS. Hoàng Thị Thái Hòa - Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế – Thư ký đề tài, báo cáo kết quả thực hiện trước Hội đồng.
Hội đồng đã xem xét, nghiên cứu toàn bộ hồ sơ đánh giá, các tài liệu, văn bản liên quan; tham khảo các Phiếu nhận xét đánh giá của các uỷ viên phản biện; trao đổi thảo luận, nhận định về các kết quả của đề tài theo từng nội dung theo quy định, Hội đồng đã thực hiện đánh giá kết quả của đề tài theo mẫu.
Với kết quả đạt được từ các mô hình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) trên một số cây trồng có giá trị kinh tế cao của đề tài đã góp phần tích cực vào vấn đề ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ ô nhiễm (thông qua việc giảm và hạn chế lượng phân bón hóa học và thuốc BVTV sử dụng trong quá trình sản xuất), từ đó góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân, giảm thiểu tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm do sử dụng sản phẩm an toàn.
Thành viên Hội đồng trao đổi, thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện đề tài.
Trên cơ sở đó, đề tài đã thực hiện đầy đủ các nội dung về số lượng, khối lượng, chủng loại so với hợp đồng đã ký. Hội đồng đánh giá kết quả thực hiện đề tài Đạt, đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì, chủ nhiệm đề tài tiếp thu đầy đủ các ý kiến của thành viên Hội đồng, chỉnh sửa bổ sung hoàn thiện báo cáo tổng hợp, đặc biệt chú trọng đến nội dung liên quan đến tác động môi trường, tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương đã triển khai.